Reuters dẫn lời hai nhà ngoại giao tiết lộ, các lãnh đạo EU gặp nhau trong bữa tối ở Slovenia hôm 5/10 đã chia rẽ thành 2 nhóm, gồm các quốc gia ở phía đông e ngại Nga, muốn củng cố châu Âu trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những quốc gia do Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đứng đầu, muốn EU tự tăng cường năng lực mạnh mẽ hơn.

{keywords}
Các lãnh đạo của EU và vùng Balkan tham dự cuộc gặp không chính thức ngày 5/10, trước hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan ở Brdo, Slovenia. Ảnh: Reuters

Trước cuộc gặp kín trong lâu đài Brdo tại Slovenia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trước các phóng viên rằng, liên minh quy tụ 27 quốc gia thành viên phải làm nhiều hơn nữa để kiểm soát các cuộc khủng hoảng ở biên giới và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp cùng 6 nhà lãnh đạo của các nước vùng Balkan gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Bắc Macedonia, Kosovo và Albania trong ngày 6/10. Đây là một phần trong chiến lược kéo dài hàng thập kỷ của khối nhằm tạo ra "vòng bạn bè" từ đông nam châu Âu đến Bắc Phi.

"Những người châu Âu chúng ta cần phải rõ ràng với chính mình. Điều gì quan trọng đối với chúng ta xét về an ninh, biên giới và nền độc lập?", ông Macron nói.

Tổng thống Pháp đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của sự bảo vệ từ Mỹ đối với châu Âu trước cả khi xảy ra tranh cãi hồi tháng trước về thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ với Australia và Anh, có tên AUKUS. Ông cho biết sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tháng này.

Những người ủng hộ khả năng quốc phòng mạnh mẽ hơn của EU tin, hiện có rất nhiều cảnh báo cần xử lý là "sự xoay trục sang châu Á" của Washington; việc Anh rời khỏi liên minh; chính sách "nước Mỹ" trước tiên của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm suy yếu các ưu tiên của EU; những quốc gia yếu thế ở các vùng biên giới châu Âu và một nước Nga quyết đoán hơn.

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ trong việc xây dựng quỹ quốc phòng chung để cùng nhau phát triển vũ khí, EU vẫn chưa thể triển khai các nhóm chiến đấu quy mô cấp tiểu đoàn của khối trong một cuộc khủng hoảng.

Theo một quan chức cấp cao EU, các nhà lãnh đạo liên minh đã tranh luận về việc liệu có cần phải lựa chọn giữa sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự, ám chỉ đến vai trò của EU như khối thương mại và nhà cung cấp viện trợ lớn nhất thế giới.

Tuấn Anh

EU hoãn đàm phán thương mại với Australia vì thỏa thuận 'đâm sau lưng' Pháp

EU hoãn đàm phán thương mại với Australia vì thỏa thuận 'đâm sau lưng' Pháp

Bộ trưởng Thương mại Australia thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn đàm phán thương mại với nước này, giữa lúc gia tăng tranh cãi về việc Canberra hủy một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la với Pháp.