Hàng trăm người di cư đã phá vỡ các hàng rào cảnh sát ở biên giới Hungary - Serbia và đi bộ hướng tới thủ đô Budapest.

TIN BÀI KHÁC:

Trước đó, người di cư cũng phá vỡ một trại đăng ký ở Roszke của Hungary.

Hiện một đoàn khoảng 300 người đang đi bộ dọc một xa lộ. Cảnh sát được triển khai đi cùng để đảm bảo trật tự. Sau đó có tin một số người đã đồng ý lên xe buýt để tới một trung tâm tiếp nhận.

{keywords}
Đoàn người di cư chạy dọc một xa lộ để đến nơi mong muốn. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp và Cơ quan Người tị nạn của Liên Hợp Quốc đã điều thêm nhân viên cùng tàu tới giải quyết tình trạng khoảng 25.000 di cư dồn ứ trên đảo Lesvos. 

Athens đã lên tiếng yêu cầu EU trợ giúp để đối phó với dòng người di cư ùn ùn kéo tới từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ Berlin, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo, dòng người di cư "nghẹt thở" kéo đến Đức sẽ làm thay đổi đất nước này trong những năm tới.

Hungary đã trở thành một điểm nóng, khi hàng nghìn người di cư và tị nạn từ Trung Đông và châu Phi di chuyển lên phía bắc để xin tị nạn tại Đức cùng nhiều nước khác. Hôm qua (7/9), Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Csaba Hende đã từ chức, có tin là liên quan đến các vấn đề về xây dựng một hàng rào biên giới để ngăn di dân.

{keywords}
Hungary đang dựng hàng rào cao 4m dọc biên giới. (Ảnh: AP)

Trước đó, Hungary đã ngăn người di cư di chuyển lên phía bắc, yêu cầu họ đăng ký ở đó trước theo các quy định của EU. Tuy nhiên, đến chiều 4/9, nước này đành phải dỡ bỏ các hạn chế sau khi chật vật đối phó với đám đông lên tới hàng nghìn người cắm trại tại Budapest.

Cuối tuần qua, có khoảng 20.000 di dân đã rời khỏi Hungary sang Áo và Đức.

Tại Roszke, nhiều cuộc hỗn chiến đã xảy ra khi một số người nhập cư phá vỡ trung tâm tạm giữ và tìm cách vượt qua cảnh sát. Họ ném đá về phía các sĩ quan và bị đáp trả bằng hơi cay.

Khoảng 300 người đã chạy được tới một xa lộ gần đó, hô to "Đức, Đức". Khi màn đêm buông xuống, họ đi bộ trong sự hộ tống của cảnh sát, hướng về phía Budapest cách đó 170km.

{keywords}
Niềm vui của những di dân đã đến được Áo. (Ảnh: Billings Gazette)

Các diễn biến khác:

- Thủ tướng Anh David Cameron thông báo nước ông sẽ chấp nhận 20.000 người tị nạn từ Syria trong 5 năm tới.

- Ít nhất 150 di dân ở miền nam Đan Mạch đang cố gắng đi về phía biên giới Thụy Điển, buộc cảnh sát phải phong tỏa cả một xa lộ.

- Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, chính phủ Mỹ "đang tích cực xem xét một loạt cách tiếp cận để phản ứng sẵn sàng hơn với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu, trong đó có vấn đề tái định cư người tị nạn.

Thanh Hảo