Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi một hiệp ước hạt nhân với Iran và tái áp dụng các lệnh trừng phạt. Ông Trump lên án hiệp ước năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới, được ký bởi người tiền nhiệm Barack Obama, cho rằng nó thiếu sót vì không có hiệu lực vĩnh viễn và không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay vai trò của nước này trong các cuộc xung đột ở khu vực.

Các nước châu Âu kí hiệp ước, bao gồm Pháp, Anh và Đức, có cùng chung các quan ngại với Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo và các hành vi của Iran ở khu vực. Tuy nhiên, họ đã bảo vệ hiệp ước hạt nhân đã kí, cho rằng ít nhất nó cũng đặt các giới hạn lên chương trình hạt nhân của Iran và là nền tảng cho các đàm phán trong tương lai.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.

“Người châu Âu không có tư cách chỉ trích Iran về các vấn đề nằm ngoài JCPOA”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia hôm 9/6. JCPOA là tên viết tắt của hiệp ước hạt nhân nói trên. “Các nước châu Âu và các nước ký kết khác của JCPOA nên bình thường hóa mối quan hệ kinh tế với Iran… chúng tôi sẽ tạm dừng thực hiện các cam kết, và đưa ra các hành động dựa vào động thái của họ”.

Tháng trước, Iran đã ngừng một số cam kết nằm trong thỏa thuận hạt nhân, và cảnh báo rằng trong 60 ngày sẽ giảm bớt mức cam kết nếu các nước châu Âu không thể bảo vệ Tehran trước các trừng phạt từ phía Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas sẽ đến thăm Iran vào tuần tới để thảo luận về các phương án nhằm bảo vệ hiệp ước hạt nhân đang đứng trước bờ vực đổ vỡ này.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani hôm 9/6 cũng đã chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vì ông đã phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước rằng Pháp và Mỹ có những mục tiêu chung về vấn đề Iran.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani.

Ông Macron cho biết, Pháp muốn đảm bảo Tehran sẽ không có được vũ khí hạt nhân: “Chúng ta đang có một hiệp ước cho đến năm 2025 và chúng tôi muốn tiến xa hơn nữa, để có được sự chắc chắn tuyệt đối về lâu dài… Và rồi sẽ giảm dần các hoạt động tên lửa đạn đạo và kiểm soát Iran trong khu vực”.

“Những phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp trong cuộc gặp gỡ với ông Trump thật đáng xấu hổ và vô lý”, hãng thông tấn Fars trích lời ông Larijani cho biết. “Các bình luận này của ông Macron không ăn khớp với những gì ông ấy đã nói với Tổng thống của chúng tôi, ông Rouhani, trong những lần gặp gỡ giữa họ và trong các cuộc điện đàm”.

Iran khẳng định rằng các hoạt động hạt nhân của Tehran hoàn toàn có mục đích hòa bình, và đã nhiều lần từ chối bình luận về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Anh Thư