Cả Tân Hoa xã và hãng thông tấn trung ươngTriều Tiên KCNA đều đã lên tiếng xác nhận việc ông Kim Jong Un cùng các quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng đã đi tàu hỏa tới Trung Quốc đêm 7/1. Trong đoàn tháp tùng ông Kim công du lần này có cả Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju và ông Kim Yong-chol, trưởng đoàn đoàn phán ngoại giao của Triều Tiên.

{keywords}
Ông Kim Jong Un sẽ có các cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Bắc Kinh kéo dài 3 ngày. Ảnh: SCMP

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết thêm, đoàn tàu chở lãnh đạo Triều Tiên đã di chuyển qua khu vực biên giới với Trung Quốc lúc 22h15 tối 7/1 và dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào lúc 10h sáng nay, 8/1. An ninh đang được siết chặt tại thủ đô của Trung Quốc, nơi ông Kim dự định sẽ có các cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình.

Mặc dù đa phần giới truyền thông mô tả chuyến công du Trung Quốc lần này của người đứng đầu Bình Nhưỡng là "bất ngờ", nhưng các nhà quan sát tin, chuyến đi thực tế đã được lên lịch kỹ lưỡng.

Theo Tân Hoa xã, ông Kim thăm chính thức Bắc Kinh từ ngày 7 - 10/1 theo lời mời của ông Tập. Trong khi đó, Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington nhận định, động thái nhiều khả năng nhằm giúp ông Kim xem liệu Trung Quốc có sẵn sàng nới lỏng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc chống Triều Tiên hay không.

Nói một cách khác, ông Kim muốn biết liệu ông Tập có nới lỏng sự tham gia của Bắc Kinh vào chương trình cấm vận Bình Nhưỡng hay không.

Ông Kazianis cho rằng, kết quả đánh giá này rất quan trọng vì nó sẽ giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ ông có thể tiến xa tới mức nào khi đối phó với chiến dịch gia tăng áp lực của Mỹ, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối nhượng bộ.

Tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều tháng 6/2018 ở Singapore, ông Kim và ông Trump đã đồng ý về việc Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, sau đó, giới chức Mỹ và Triều Tiên liên tục tố nhau không có các hành động cần thiết để hiện thực hóa những cam kết đã đạt được. Bản thân lãnh đạo Nhà Trắng cũng tuyên bố, Chính phủ Mỹ sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong khi hai bên tiếp tục đàm phán.

Tại một cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện tại, Bắc Kinh đã ủng hộ thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong các cuộc thương lượng về an ninh ngoại giao song phương ở Washington hồi tháng 11 năm ngoái, cả Mỹ và Trung Quốc đều "cam kết tiếp tục hợp tác và triển khai đầy đủ, nghiêm ngặt các nghị quyết liên quan của HĐBA" về Triều Tiên.

Song, theo báo South China Morning Post, cùng với Nga, một nước thành viên thường trực HĐBA khác, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi giảm nhẹ các lệnh cấm vận Triều Tiên, đặc biệt căn cứ vào "những diễn biến tích cực" tiếp sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần đầu tiên.

Giới quan sát chỉ ra rằng, lãnh đạo Triều Tiên thường công du Trung Quốc trước các sự kiện ngoại giao quan trọng của nước này. Cụ thể, ông Kim đã đến Trung Quốc 3 lần để gặp ông Tập trong năm 2018. Các cuộc tiếp xúc đó đều diễn ra trước và sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Lần này, ông Kim tới Trung Quốc đúng vào lúc có nhiều thông tin về việc Mỹ và Triều Tiên đang xúc tiến đàm phán tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa nguyên thủ hai nước. Sự kiện cũng diễn ra đúng vào lúc Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vòng thương lượng mới nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.

Nhà phân tích Kazianis tin, thời điểm của chuyến công du đã được tính toán kỹ. Theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump rằng Bình Nhưỡng còn có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác, ngoài những gì Washington và Seoul có thể đem lại. Trung Quốc, đồng minh thân cận và cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên, có thể vô hiệu hóa chiến lược "gia tăng áp lực tối đa" của ông Trump với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, với Trung Quốc, họ có thể cảnh báo Mỹ về việc Bắc Kinh đang nắm trong tay "quân cờ Triều Tiên", có thể tung ra khi phù hợp để đấu với Washington.

Tuấn Anh