Cụ thể, Bắc Kinh đang lên kế hoạch sử dụng các tên lửa hạt nhân chiến lược, cùng máy bay tối tân làm chủ đạo trong buổi lễ duyệt binh kỷ niệm quốc khánh. Mục đích là nhằm phô diễn những thành tựu quân đội Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua. Giới quân sự nhận định, màn trình diễn sức mạnh hạt nhân sắp tới sẽ thể hiện khả năng răn đe của Trung Quốc tới Mỹ.

{keywords}
Tên lửa DF-41. Ảnh: SCMP

“Buổi duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ diễn ra hôm 1/10. Và thông qua buổi lễ, Bắc Kinh sẽ cho toàn thế giới thấy được những thành tựu mà quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình từ năm 2012”, nguồn tin giấu tên cho biết.

Cũng theo người này, những hệ thống vũ khí như tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 đã được vận chuyển tới Bắc Kinh. Ngoài ra, một phi đội máy bay tàng hình J-20 cũng đang tập luyện nhằm chuẩn bị cho buổi lễ.

Tên lửa DF-41 có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn ít nhất 12.000km, đồng nghĩa với việc nó có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ. Trong khi tên lửa JL-2 có tầm bắn ngắn hơn khi chỉ khoảng 7.000km, cũng có thể tấn công nhiều vùng của Mỹ, nếu tên lửa này được phóng trên biển.

Cả hai vũ khí trên đều từng tham gia buổi duyệt binh lớn nhất của Trung Quốc hồi năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc.

Nhà phân tích quân sự Song Zhongping cho biết, dường như Bắc Kinh đang muốn nhân dịp kỷ niệm quốc khánh này để gửi đi “thông điệp” tới Mỹ trong bối cảnh những căng thẳng xảy ra liên tục giữa hai nước trong thời gian gần đây.

“Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của nước này trong những năm qua, mà Bắc Kinh tin rằng đó là một biện pháp chiến lược đại diện cho việc chống lại bá quyền quân sự của Mỹ trên toàn cầu”, ông Song nhận định.

{keywords}
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2. Ảnh: Military Todays

Ông này cũng chỉ ra, Mỹ cũng đang tiến hành chế tạo các đầu đạn ‘năng suất thấp’ mới cho tên lửa Trident, nhằm ‘hạ thấp ngưỡng tiêu chuẩn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật’. “Có thể nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong những cuộc chiến tương lai, và đồng thời Washington cũng ‘đã trao tính hợp pháp’ cho những nước khác quyền phát triển các biện pháp đối phó”, ông Song nói thêm.

Học giả Adam Ni thuộc trường đại học Macquarie ở thành phố Sydney lại cho rằng, buổi duyệt binh sắp tới sẽ là cơ hội cho Bắc Kinh trình diễn khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này.

“Việc triển khai tên lửa DF-41 là một bước tiến lớn cho khả năng đe dọa hạt nhân của Trung Quốc, bởi đây là loại tên lửa liên lục địa vô cùng mạnh mẽ với tầm bắn cực lớn, đồng thời nó cũng có thể mang theo nhiều đầu đạn và công nghệ tiên tiến khác. DF-41 chính là biểu tượng cho khả năng hủy diệt của quân đội Trung Quốc, có thể sánh ngang với các tên lửa của Nga và Mỹ”, ông Ni nói.

Ngoài hai loại vũ khí trên sẽ có mặt trong buổi duyệt binh, theo một nguồn quân sự giấu tên khác, những loại vũ khí tiên tiến như tên lửa chống hạm DF-26, hay như các tên lửa siêu thanh như DF-17 và DF-20 có khả năng vượt qua các lá chắn tên lửa đánh chặn cũng sẽ có mặt trong buổi lễ tới.

“Nhằm tránh những hiểu lầm không cần thiết tới từ phía Washington, những loại tên lửa hạt nhân tiên tiến nhất, như tên lửa đạn đạo tầm xa DF-27 sẽ không có mặt trong sự kiện lần này”, nguồn tin giấu tên cho biết.

Tuấn Trần