Sau 20 năm, quân Mỹ đang rời khỏi Afghanistan. Chính phủ Afghanistan đã sụp đổ và Kabul rơi vào tay Taliban. Trong bài viết trên tờ Foreign Policy ngày 18/8, nhà báo Clint Work – thành viên của Chương trình 38 North thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ) chỉ ra rằng quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan làm dấy lên nhiều câu hỏi về tình hình triển khai quân đội Mỹ trên toàn cầu.  

{keywords}
Ngày 30/6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Vùng phi quân sự. Ảnh: AP

Theo ông, khi cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng chủ trương rút quân khỏi Afghanistan và đồng thời cắt giảm lực lượng ở Đức, nhiều người trong giới chính sách đối ngoại và quốc hội Mỹ đã tỏ ra bất bình. Họ cảnh báo đó là khởi đầu của việc thoái dần các cam kết lâu dài thời hậu chiến. Hàn Quốc cũng được coi là một ứng cử viên tiềm năng, khi ông Trump luôn hoài nghi về việc duy trì quân Mỹ tại nước này và đưa ra yêu cầu Seoul phải gánh vác nhiều chi phí hơn.

Cựu Tổng thống Trump và chính sách Nước Mỹ trước tiên của ông vẫn là một thế lực mạnh mẽ trên chính trường Mỹ. Rất có thể ông (hoặc một ứng cử viên giống ông Trump) sẽ tranh cử vào năm 2024, và một lần nữa thách thức các đồng minh và chính sách đối ngoại của Mỹ, chẳng hạn như cần phải duy trì một hệ thống căn cứ quân sự rộng khắp toàn cầu.

Ông Trump hoặc những người có quan điểm tương đồng có thể sẽ tiếp tục nêu ra một điểm đơn giản nhưng thu hút sự chú ý, đó là quân đội Mỹ không bao giờ có ý định ở lại Hàn Quốc vĩnh viễn.

Thực tế cho thấy, 70 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, khoảng 28.500 lính Mỹ vẫn hiện diện ở Hàn Quốc. Rút quân không phải là một triển vọng hay ý tưởng tốt đẹp khi mọi thứ vẫn ổn – nhưng nếu Mỹ sẵn sàng tiếp cận bán đảo Triều Tiên một cách sáng tạo hơn, việc rút quân sẽ là một khả năng hiện hữu.

Đánh giá tình hình toàn cầu của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay đang tính đến những nơi mà binh sĩ Mỹ đồn trú và xác định liệu đó có phải là điểm tốt nhất để đặt căn cứ hay không.

Chưa rõ điều này có ảnh hưởng đến quân Mỹ ở Hàn Quốc hay không. Nhưng trong tương lai gần, những trở ngại chính trị ở nước này đang khiến quân Mỹ không thể tiếp cận các cơ sở huấn luyện lớn, đồng thời hạn chế khả năng diễn tập huấn luyện và sử dụng đạn thật, vốn rất cần thiết để nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu.

Vì vậy, Mỹ có thể tái triển khai một số quân nhất định - chẳng hạn như phi đội trực thăng tấn công Apache, đến Nhật Bản hoặc Alaska để huấn luyện.

{keywords}
Các Tổng thống Mỹ từng tới thăm Vùng phi quân sự chia tách Hàn Quốc và Triều Tiên. Từ trên xuống và từ trái sang: ông Ronald Reagan ngày 14/10/1983; ông Bill Clinton ngày 11/7/1993; ông George W. Bush ngày 20/2/2002, và Barack Obama ngày 25/3/2012. Ảnh: Yonhap

Về lâu dài, các chiến lược gia của Mỹ sẽ điều chỉnh lại mức độ quân Mỹ tại Hàn Quốc thích nghi với một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà hiện nay tập trung vào siêu cạnh tranh với Trung Quốc, gia tăng nhu cầu phải tăng cường tính linh hoạt chiến lược của các lực lượng trên bán đảo cho các tình huống bất ngờ ở khu vực rộng hơn.

Nhưng luân chuyển quân Mỹ khỏi Hàn Quốc là một việc rất khó, thậm chí khó hơn cả quyết định rút quân khỏi Afghanistan, và nó sẽ báo hiệu một tư duy mới trong tầm nhìn của Washington về trật tự toàn cầu. 

Mặc dù sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc đã phát triển theo thời gian, trải qua nhiều thời kỳ cắt giảm và tái tổ chức, nhưng lực lượng này vẫn là một trụ cột cơ bản của cấu trúc an ninh trên bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á kể từ năm 1950. Rất khó để thay đổi điều đó.

Vì vậy, khi Mỹ cắt giảm hoặc tái cơ cấu lực lượng tại Hàn Quốc, thông thường sẽ có một kế hoạch nào đó lớn hơn được thực hiện. Nhưng nếu Washington muốn rút hết quân, điều đó sẽ báo hiệu một sự thay đổi thực sự cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ - gây chú ý hơn nhiều so với rút quân khỏi Afghanistan.   

Và một thực tế nữa là Seoul không có vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng có, thậm chí có thể nhắm đến – dẫu là trên lý thuyết – đất Mỹ và toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam.

Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra trong khu vực, trong đó có việc Nhật tăng cường năng lực quân sự, Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Biển Đông, và Washington chuyển từ chủ trương tái cân bằng từng đợt sang một khái niệm và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn, tập trung vào Trung Quốc.

Vì vậy, Mỹ vẫn cần hiện diện lâu dài ở Hàn Quốc, không chỉ để tránh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, mà còn để duy trì sự linh hoạt tương đối trong trường hợp xảy ra các sự kiện trên bán đảo và trong khu vực.   

Thanh Hảo

Vì sao một siêu cường quân sự thất bại ở Afghanistan?

Vì sao một siêu cường quân sự thất bại ở Afghanistan?

Tốc độ Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cùng sự sụp đổ quá nhanh của chính quyền Kabul, đã dẫn đến vô số chỉ trích nhằm vào Tổng thống Joe Biden vì quyết định rút quân Mỹ.