Những ngày qua, khi truyền thông xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử, ông Trump vẫn kiên quyết không nhượng bộ và tiếp tục đưa ra cáo buộc về gian lận bầu cử. Ông khẳng định sẽ chỉ rời Nhà Trắng nếu Cử tri đoàn bỏ phiếu cho chính trị gia Dân chủ. 

{keywords}
Các thành viên Cử tri đoàn bang Bắc Carolina ký Chứng nhận bầu cử ở tòa nhà quốc hội bang ở Raleigh ngày 19/12/2016. Ảnh tư liệu: Reuters

Theo NBC News, đến nay, cả 50 bang của Mỹ đều đã chứng nhận kết quả kiểm phiếu phổ thông mà phần thắng thuộc về ông Biden với tổng cộng 306 phiếu đại cử tri còn ông Trump đạt 232 phiếu. Nhưng lá phiếu của các đại cử tri mới cho kết quả bầu cử chính thức. Và với quyền lựa chọn tổng thống được Hiến pháp Mỹ bảo vệ, quyết định của họ là không thể thay đổi.

Tổng thống Trump và một số thành viên Cộng hòa đã tìm cách loại bỏ các cử tri đoàn ở 4 bang chiến địa ủng hộ ông Biden, nhưng nỗ lực của họ đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ. Sau diễn biến này, phát ngôn viên Mike Gwin của ông Biden tuyên bố "chiến thắng rõ ràng và oai vệ của Tổng thống đắc cử Biden sẽ được Cử tri đoàn phê chuẩn vào thứ Hai, và ông sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1".

"Cử tri đoàn" bao gồm 538 đại cử tri, và một ứng viên tổng thống Mỹ cần đạt được ít nhất 270 phiếu để giành chiến thắng. Sau khi tổng phiếu bầu của một bang được chứng nhận, thống đốc của bang đó sẽ công bố Giấy chứng nhận có tên các đại cử tri và số phiếu bầu.

Theo luật liên bang, đại cử tri tập trung ở các bang riêng biệt để "bỏ phiếu vào thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư lần hai của tháng 12". Năm nay, ngày này rơi vào 14/12. Hầu hết các bang sẽ phát trực tiếp cuộc bỏ phiếu trên trang web của mình, theo các múi giờ khác nhau của Mỹ.

Theo nhà phân tích chính trị Mike Sherman của kênh FOX 8, Mỹ đã chứng kiến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 chưa có tiền lệ với những tranh cãi và kiện tụng triền miên, nên "mọi con mắt đều đổ dồn vào Cử tri đoàn". Bởi một khi họ bỏ phiếu xong thì mọi cáo buộc hoặc thách thức pháp lý về gian lận bầu cử đều vô hiệu. Khi đó sẽ "không còn thêm nghi vấn nào về ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ", ông Sherman nói.

Trước kia, từng có trường hợp các đại cử tri bỏ phiếu chống lại người chiến thắng của bang mình và họ được gọi là các đại cử tri bất trung. Tuy nhiên, theo ông Sherman, số đại cử tri như vậy sẽ không đủ lớn để làm thay đổi kết quả bầu cử.

"Trên khắp cả nước, các đảng chính trị cấp bang thường chọn những người trung thành và các quan chức cấp cao làm đại cử tri" nên sẽ không tạo ra sự chênh lệch quá nhiều, ông Sherman giải thích thêm.

Sau cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn, kết quả sẽ được gửi đến quốc hội. Cả hạ viện và thượng viện sẽ họp vào ngày 6/1, mở các phong bì từ mỗi tiểu bang cùng Quận Columbia để kiểm các phiếu bầu.

Trường hợp có sự phản đối của ít nhất một thành viên hạ viện hoặc thượng viện về phiếu đại cử tri, hai cơ quan này sẽ họp riêng để tranh luận. Nếu không, kết quả bỏ phiếu sẽ được chính thức công nhận.

Người thắng cử Tổng thống Mỹ sẽ nhậm chức vào 20/1/2021, lãnh đạo siêu cường này trong 4 năm tới.

Toàn cảnh Bầu cử tổng thống Mỹ 

Thanh Hảo

Ông Trump 'thề' tiếp tục cuộc chiến đảo ngược kết quả bầu cử

Ông Trump 'thề' tiếp tục cuộc chiến đảo ngược kết quả bầu cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược kết quả tổng tuyển cử 2020, bất chấp việc Đại cử tri đoàn sẽ quyết định lãnh đạo mới của Nhà Trắng trong ngày 14/12.

Ông Trump tố Tòa tối cao Mỹ ‘không khôn ngoan’

Ông Trump tố Tòa tối cao Mỹ ‘không khôn ngoan’

Trước đó, Tòa tối cao đã bác bỏ đơn kiện do Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đệ trình đòi hủy kết quả bầu cử tổng thống ở 4 bang chiến trường.