Đài NDTV đưa tin, chỉ vài giờ trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đến Seoul, Hàn Quốc hôm 7/7, Triều Tiên tuyên bố "không có ý định đối thoại" với cường quốc số một thế giới. Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Washington đang theo đuổi "chính sách thù địch" chống họ.

{keywords}
 

Theo Gregory Elich, thành viên của tổ chức phi chính phủ Ủy ban Đoàn kết vì Dân chủ và Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chuyến đi của ông Biegun chỉ mang tính biểu tượng hơn là hành động cụ thể hướng tới khôi phục ngoại giao với Bình Nhưỡng. Sứ mệnh của đặc phái viên Mỹ lần này cũng được cho là nhằm bảo đảm Hàn Quốc vẫn tuân theo chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt trong mối quan hệ liên Triều.

Giới quan sát chỉ ra rằng, Bình Nhưỡng đang vô cùng phẫn nộ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với cáo buộc ông luôn chờ đợi sự phê chuẩn từ Washington trước bất kỳ động thái nào nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Thực tế, Mỹ đã đứng ra thành lập một nhóm công tác chung với Hàn Quốc, chuyên trách giám sát, điều phối mọi khía cạnh trong quan hệ giữa hai nước láng giềng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi, Chính phủ Mỹ dường như luôn nói không với bất kỳ đề xuất liên quan nào của Hàn Quốc.

Ví dụ, Seoul muốn cử các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm khu công nghiệp Kaesong ở bên kia biên giới với Triều Tiên để thị sát điều kiện kinh doanh; muốn viện trợ 200.000 liều thuốc Tamiflu cho Bình Nhưỡng và xúc tiến các nỗ lực tái kết nối đường sắt liên Triều, nhưng rốt cuộc đều không thực hiện vì Washington không tán thành.

"Gần đây, báo chí Hàn Quốc đã cho đăng tải nhiều bài xã luận kêu gọi nước này phải tái xem xét về nhóm công tác chung với Mỹ cũng như hành động độc lập hơn... theo hướng ưu tiên quan hệ liên Triều hơn việc tìm kiếm sự cho phép của Mỹ", ông Elich nhấn mạnh.

Sputnik dẫn lời nhà quan sát này nhận định, chuyến công du của ông Biegun hiện nay còn nhằm củng cố liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn Quốc và xây dựng một liên minh mới chống Trung Quốc, có tên "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề cập. Đó là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mối quan hệ Mỹ - Triều lâm vào bế tắc sau khi ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh lần hai, do bất đồng về các bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thời điểm Washington nới lỏng cấm vận chống Bình Nhưỡng. Các cuộc đàm phán song phương cũng bị đình trệ kể từ đó.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thường nhắc tới việc Washington sẽ có lập trường linh hoạt hơn về vấn đề Triều Tiên, chẳng hạn như hai nước có thể mở văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau, tổ chức một vài cuộc thương lượng trực tiếp, ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh (văn bản chính thức công nhận chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 đã kết thúc) và phê chuẩn viện trợ nhận cho Bình Nhưỡng (dù không nói rõ Mỹ sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo hay không còn ngăn cản các quốc gia khác làm điều đó).

Tuy nhiên, thứ chính quyền ông Kim cần hiện nay là các lợi ích cụ thể, bao gồm bảo đảm an ninh, cho phép Triều Tiên từ bỏ giải trừ hạt nhân mà không đối mặt với nguy cơ bị đe dọa tồn tại; dỡ bỏ các cấm vận, vốn đang khiến nền kinh tế Triều Tiên điêu đứng và đời sống người dân gặp khó khăn cực điểm cũng như bình thường hóa các mối quan hệ.

Vì vậy, các nhà phân tích thống nhất rằng, nếu giới chức Mỹ chỉ có lời nói suông và các động thái mang tính biểu tượng, không đáp ứng phần nào những nhu cầu cụ thể nêu trên của Triều Tiên, mối quan hệ song phương chắc chắn sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui mới đây cảnh báo, đàm phán Mỹ - Triều sẽ không đạt hiệu quả khi chính quyền ông Trump chỉ coi đối thoại song phương "không hơn gì một công cụ để giải quyết khủng khoảng chính trị trong nước".

Thế bế tắc hiện thời cũng một lần nữa trở thành phép thử đối với vai trò trung gian ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và khả năng xoay chuyển tình thế của lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump vào thời điểm gần đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tuấn Anh

Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ

Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ

Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên tuyên bố, nước này không thấy cần thiết phải đàm phán với Mỹ khi đây chỉ là "công cụ chính trị" cho Washington.

Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ

Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ

Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên tuyên bố, nước này không thấy cần thiết phải đàm phán với Mỹ khi đây chỉ là "công cụ chính trị" cho Washington.