Nhiều bệnh nhân phản ánh, sau khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, ngoài đơn thuốc còn “kẹp” thêm phiếu tư vấn ghi các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm… do bác sĩ kê. Cá biệt, có một đơn thuốc viết tay ghi kèm cả thuốc và thực phẩm chức năng.

Liên quan đến phản ánh trên, trưa 18/9, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, phiếu đơn thuốc viết tay của bác sĩ ghi kèm cả thực phẩm chức năng là sai quy định.

{keywords}

PGS.TS Lê Hữu Doanh (trái) trả lời các câu hỏi của báo chí

 

“Các quy định hiện hành của Bộ Y tế đều cấm kê thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trong đơn thuốc. Bệnh viện đã tập huấn và quán triệt việc này. Tất cả các đơn thuốc ngoại trú của bệnh viện đều là đơn đánh máy, in ra còn đây là đơn viết tay, bệnh viện không yêu cầu kê đơn đó”, PGS Doanh nói.

PGS Doanh cho biết thêm, qua tìm hiểu, bệnh nhân là người quen của bác sĩ. Hiện bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc viết tay nói trên giải trình và sẽ kỷ luật theo lỗi sai phạm kê đơn thuốc.

Về việc “kẹp” thêm phiếu tư vấn song song với đơn thuốc cho những bệnh nhân khác, ông Doanh cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có danh mục dược mỹ phẩm như các nước, nên các sản phẩm khác ngoài thuốc được xếp vào mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Với các sản phẩm dưỡng ẩm, dù không phải thuốc nhưng rất quan trọng trong phối hợp điều trị và phòng ngừa các đợt tái phát, bùng phát bệnh và được đưa vào phác đồ hướng dẫn điều trị nhiều bệnh da liễu như: Viêm da cơ địa, vảy nến, á vảy nến, viêm da dầu, các bệnh lý về móng và tóc... cả ở Việt Nam và trên thế giới. Ví dụ với bệnh viêm da cơ địa, gần như 100% bệnh nhân phải dùng sữa tắm, kem giữ ẩm… 

{keywords}

BV Da liễu Trung ương cho biết, phiếu tư vấn để ghi riêng các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và có thông tin chi tiết ở mặt sau nói rõ đây không phải là thuốc

Ngoài ra, một số sản phẩm như dầu gội trị gàu, dầu gội chống rụng tóc, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, các sản phẩm bôi tại chỗ điều trị tăng giảm sắc tố da... đều là các sản phẩm hỗ trợ tích cực trong điều trị nhiều bệnh da như: Trứng cá, viêm da dầu, rụng tóc, viêm da tiếp xúc, rám má, sạm da, bạch biến...

Vì vậy, bác sĩ có thể kê các sản phẩm này cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh viện yêu cầu phải kê trong phiếu tư vấn riêng, không kê chung trong đơn thuốc và khi kê đơn, bác sĩ phải có giải thích, tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị. 

“Với phiếu tư vấn, người bệnh có quyền lựa chọn mua hoặc không, không có chuyện bệnh viện ép bệnh nhân phải sử dụng những sản phẩm này. Nhiều trường hợp sau khi khi mua về hôm sau có thể mang trả lại miễn chưa chưa bóc vỏ. Chúng tôi cũng đã ghi rõ thông tin ở mặt sau phiếu tư vấn”, ông Doanh nói. 

Thông tư 05/2016/TT-BYT quy định: “Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm”.

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản pháp quy nào cấm người kê đơn tư vấn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo một cán bộ Cục Quản lý khám chữa bệnh, đây là hình thức “lách”. Tuy nhiên việc kê phiếu tư vấn cần phải có giải thích rõ cho người bệnh, tránh hiểu nhầm đây là đơn bắt buộc phải mua.

Thúy Hạnh

Bác sĩ BV K lên tiếng về đơn thuốc ung thư gần 130 triệu

Bác sĩ BV K lên tiếng về đơn thuốc ung thư gần 130 triệu

- Bác sĩ điều trị khẳng định, đơn thuốc gần 130 triệu của bệnh nhân ung thư vú là đúng phác đồ. Bệnh nhân có điều kiện và hoàn toàn tự nguyện để điều trị.