Từ khi chào đời, bé trai Mùa A Nguyên (dân tộc H'Mông, ở Sơn La) đã gặp tình trạng liên tục nôn, không đi đại tiện. 9 ngày tuổi, cháu bé nhập viện địa phương điều trị.

Qua 7 ngày nằm viện nhưng không đỡ, cháu được gia đình xin về, sau đó đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thăm khám. Thời điểm này, bệnh nhi được 23 ngày tuổi, vẫn nôn ói nhiều, thể trạng yếu ớt.

Ths.BS Hồng Quý Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết, qua khám lâm sàng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị tắc tá tràng bẩm sinh, kèm ruột quay không hoàn toàn.

Tắc tá tràng bẩm sinh là sự gián đoạn lưu thông của đoạn ruột đầu tiên. Đây là dị dạng sơ sinh hiếm gặp với tần suất 1/5.000 - 10.000 trẻ chào đời. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhi nôn nhiều dễ dẫn tới mất nước và rối loạn điện giải, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu. Trong mổ, bác sĩ phát hiện nguyên nhân do dây chằng Ladd chèn làm tắc tá tràng, kèm theo ruột non quay không hoàn toàn.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công. Dây chằng Ladd được cắt để giải phóng chỗ tắc, ruột non được xếp lại. Sau mổ 2 ngày, cháu bé bắt đầu được ăn sữa và không còn nôn, đại tiện phân vàng.

{keywords}
Ths.BS Hồng Quý Quân thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật - Ảnh: BVCC

Ths.BS Hồng Quý Quân chia sẻ, tại Khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm, các thầy thuốc thực hiện phẫu thuật khoảng 20 - 30 ca tắc tá tràng bẩm sinh, tuy nhiên chưa từng gặp trường hợp tới viện muộn như bệnh nhi Mùa A Nguyên.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi thấy trẻ sơ sinh có triệu chứng nôi ói liên tục, kèm sụt cân, cần đưa con tới ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Dị tật tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán trong thời kỳ thai nhi nhờ vào siêu âm trước sinh 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị siêu âm.

Nếu thai nhi được chẩn đoán tắc tá tràng bẩm sinh, sản phụ và gia đình cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngay sau sinh, trẻ phải được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và phẫu thuật sơ sinh, tránh các hậu quả đáng tiếc.

Nguyễn Liên

Mẹ tai nạn chấn thương sọ não ở tuần thai 37, bé sơ sinh sống sót thần kỳ

Mẹ tai nạn chấn thương sọ não ở tuần thai 37, bé sơ sinh sống sót thần kỳ

Các bác sĩ đứng trước khó khăn rất lớn để lựa chọn giữa phẫu thuật lấy khối máu tụ nội sọ, cứu người mẹ hay ưu tiên phẫu thuật cứu con.