Bé gái Lưu Hà L. (2 tuổi, trú tại Yên Dũng, Bắc Giang) được gia đình đưa tới khám tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang tối ngày 20/7 trong tình trạng chảy máu lỗ tai phải.

Mẹ bệnh nhi cho biết, bé bị đau tai từ 2 ngày trước. Người nhà dùng đèn pin soi, thấy trong tai trẻ có dịch vàng nên đã dùng tăm bông lau sạch dịch. Tới chiều tối ngày 20/7, con quấy khóc và kêu đau nhiều hơn. Người mẹ kiểm tra, thấy có máu chảy tràn ra bên ngoài lỗ tai, vội vàng đưa con nhập viện.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành nội soi kiểm tra, phát hiện trong tai phải trẻ có rất nhiều ấu trùng ruồi (con giòi).

“Khoảng 20 con giòi làm tổ lâu ngày trong tai của cháu bé. Chúng tôi thực hiện thủ thuật lấy hết số ấu trùng, xác ruồi, đồng thời vệ sinh tai sạch sẽ. Do kiểm tra thấy ống tai, màng nhĩ phù nề, xung huyết và tiết dịch, trẻ được chỉ định nhập viện tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Trần Minh Tấn, Khoa Liên Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang chia sẻ.

Sau 4 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhi tốt dần, nội soi kiểm tra thấy ống tai sạch, màng nhĩ ổn định. Hiện trẻ đã được xuất viện, về nhà với gia đình. “Rất may, thính lực của trẻ không bị ảnh hưởng”, bác sĩ Tấn nói.

{keywords}
Bác sĩ Trần Minh Tấn nội soi kiểm tra tai của bé L. sau 4 ngày điều trị - Ảnh: Hiền Chúc

Được biết, các bác sĩ Khoa Liên Chuyên khoa đã nhiều lần tiếp nhận điều trị trường hợp trẻ có dị vật trong tai, mũi, thường gặp nhất là hạt đỗ, hạt muồng, hạt của các loại đồ chơi, mảnh bông gòn, cục phấn, cục tẩy, pin cúc, các loại côn trùng như kiến, muỗi...

Đa số dị vật lọt vào mũi hoặc tai lâu ngày gây viêm tại chỗ, thậm chí phá huỷ lớp niêm mạc, làm thủng vách ngăn mũi, thủng màng nhĩ…

“Tuy nhiên, trường hợp côn trùng sống trong tai, nở thành ấu trùng với số lượng nhiều thế này là lần đầu tiên chúng tôi gặp. Nếu bệnh nhi tới viện muộn hơn, ấu trùng có thể chui sâu gây chấn thương tai giữa, thủng màng nhĩ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thính lực của trẻ”, bác sĩ Tấn nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần đặc biệt cẩn trọng khi chăm sóc trẻ nhỏ. Nếu thấy con quấy khóc, có dịch lạ như máu, mủ từ tai chảy ra, nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng, có trang thiết bị nội soi hiện đại để được thăm khám, xử trí kịp thời.

Đặc biệt, khi phát hiện dị vật rơi vào tai, mũi, họng của bé, không nên tự ý lấy dị vật tại nhà vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến trẻ tổn thương nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau.

Hiền Chúc

Bé 22 tháng tuổi tím tái, ngừng thở do bị mắc kẹt trong xe ô tô

Bé 22 tháng tuổi tím tái, ngừng thở do bị mắc kẹt trong xe ô tô

Thời điểm gia đình phát hiện, em bé đã có dấu hiệu ngừng thở, toàn thân tím tái và bất động.