Cấp cứu ban đầu rất tốt

Đến hôm nay, sau hơn 2 ngày điều trị tích cực tại BV Nhi TƯ, sức khoẻ cháu Nguyễn Tấn Lợi, 3 tuổi ở Tiên Du, Bắc Ninh tiến triển tốt.

Bệnh nhi đã tỉnh táo, ngừng thở oxy, giảm sốt, chức năng các cơ quan dần ổn định và tiếp xúc tốt với bố mẹ. Các kết quả đánh giá về thần kinh, tâm lý không phát hiện bất thường.

Ngoại trừ cháu bé vẫn đang còn viêm phổi nên tiếp tục nằm lại viện để điều trị kháng sinh. Bác sĩ đánh giá, bé có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

{keywords}
TS Tạ Anh Tuấn đánh giá, cháu bé may mắn được cứu sống nhà các bác sĩ tuyến dưới cấp cứu rất tốt và kịp thời


TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi TƯ cho biết, cháu bé rất may mắn khi được đưa đi cấp cứu tại một phòng khám gần trường và may mắn khi nhân viên ở đây có kĩ năng sơ cứu, sau đó bé được chuyển tiếp đến BV đa khoa thị xã Từ Sơn cấp cứu trước khi chuyển đến BV Sản Nhi Bắc Ninh.

Gia đình cho biết, khi tiếp xúc với bé tại BV đa khoa huyện Từ Sơn vào chiều 13/9, cháu bé hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng. Khi được chuyển sang BV Sản Nhi Bắc Ninh, các bác sĩ ở đây ngay lập tức tham vấn ý kiến chuyên môn với các bác sĩ BV Nhi TƯ và cấp cứu trẻ rất tốt, đợi các chức năng sống ổn định mới chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi TƯ vào chiều tối cùng ngày, bé vẫn còn lơ mơ, suy hô hấp, chẩn đoán sốc nhiệt do có thay đổi ý thức, rối loạn các cơ quan, rối loạn đông máu, có biểu hiện suy thận, tiêu cơ vân. Tuy nhiên sau khi được điều trị tích cực, thở oxy, cấp cứu tuần hoàn, cháu bé đã dần hồi tỉnh và hồi phục.

TS Lê Xuân Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi TƯ nhấn mạnh, cấp cứu ban đầu đúng, tốt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

“Nếu chỉ chậm trễ 1 phút hoặc điều trị ban đầu sai, bệnh nhân có thể gặp 3 khả năng: Thứ nhất, hồi phục chậm; thứ 2, có nguy cơ xảy ra biến chứng do cấp cứu ban đầu sai; Thứ 3, cấp cứu sai khiến các bác sĩ tuyến trên mất cơ hội giúp bệnh nhân hồi phục ở mức độ cao nhất”, TS Ngọc chia sẻ.

Khi báo chí đặt câu hỏi, tại sao trường hợp bé 3 tuổi bỏ quên 7 tiếng trên xe được cứu sống trong khi trường hợp bé 6 tuổi tại Gateway lại tử vong, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ phản ứng của từng cơ thể, thời gian bị bỏ quên trên xe, đặc biệt phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ bên ngoài, lượng không khí lưu thông vào xe. 

{keywords}
PGS.TS Trần Minh Điển

 

Với trường hợp bé Lợi, tài xế Nguyễn Công Tỵ đã hạ cửa kính xe xuống 10 cm, đồng thời đánh xe vào dưới bóng cây trước trường học.

PGS Điển cho biết thêm, trong y văn thế giới, khi bị bỏ quên trên xe, trẻ em tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn do khối lượng nước trong cơ thể lớn hơn, nguy cơ mất nước cao hơn. Tùy từng đứa trẻ cũng như thời điểm bị bỏ lại trên xe sẽ có các biểu hiện ảnh hưởng khác nhau.

“May mắn tại thời điểm phát hiện cháu bé, các chức năng sống vẫn còn, cháu vẫn thở, nhịp tim vẫn đập tương đối tốt, tri giác lơ mơ nhưng chưa quá nặng nề. Sau đó được điều trị cấp cứu tốt nên tiên lượng tốt. Hy vọng cháu bé sẽ trở lại cuộc sống bình thường trong một vài ngày tới”, PGS Điển giải thích.

Sau 45 phút, các cơ quan đã bị ảnh hưởng

Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C kèm theo rối loạn chức năng thần kinh như hôn mê, rối loạn ý thức, co giật...

Khi bị sốc nhiệt, tế bào sẽ bị thoái hoá protein, do đó cơ thể có thể bị tổn thương sau 45 phút đến 8 giờ sau khi thân nhiệt lên mức 42 độ.

Các triệu chứng lâm sàng của sốc nhiệt chia nhiều mức độ, nhẹ là da nóng và khô, mệt, đau đầu, đỏ mặt, khó thở, nôn mửa, nặng là rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, rối loạn hô hấp, suy hô hấp tiến triển, rối loạn thần kinh trung ương, hôn mê, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân.

Theo các chuyên gia ngành cấp cứu, sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan như tụt huyết áp, thủng cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ hoặc tăng kali máu, hạ canxi máu, hạ đường huyết, liệt nửa người, hôn mê, vàng da, suy gan…

{keywords}
Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ cũng là một trong những giải pháp sơ cứu giúp bệnh nhân sốc nhiệt hạ thân nhiệt  


Tùy theo thời gian được phát hiện và xử trí cấp cứu sẽ quyết định tiên lượng điều trị cho bệnh nhân.

Nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên tiên lượng xấu với các trường hợp có nhiệt độ cơ thể trên 42,2 độ, hôn mê, hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, tăng thân nhiệt kéo dài, suy thận...

Khi gặp các trường hợp bị sốc nhiệt, bác sĩ khuyến cáo cần hạ thân nhiệt tức thì bằng cách đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi mát mẻ.

Ngâm bệnh nhân trong nước đá là biện pháp làm lạnh có hiệu quả cao, tuy nhiên có nhiều bất lợi như gây co mạch ngoại vi, rét run, hạ thân nhiệt quá mức, khó theo dõi các chức năng sống. Do đó hiện nay, nhiều khuyến cáo nên sử dụng nước mát 20-25 độ C để ngâm bệnh nhân, khi ngâm để đầu bệnh nhân trên mặt nước và chú ý theo dõi các chức năng sống.

Ngoài ra, người dân có thể đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ hoặc sử dụng chăn làm lạnh…

Cần lưu ý hạ thân nhiệt cho người bệnh ngay lập tức nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,4 độ C. Việc vừa hạ thân nhiệt, vừa chuyển bệnh nhân bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ trên đường đến các cơ sở y tế sẽ giúp hạ thân nhiệt nhanh hơn.

Thúy Hạnh

Cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên 7 tiếng trên xe vào viện trong tình trạng hôn mê

Cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên 7 tiếng trên xe vào viện trong tình trạng hôn mê

- Cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón khi được đưa đến viện đã hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng.