Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn là tâm điểm chính sách chiến lược của Mỹ, nhưng Washington có vẻ như ngày càng miễn cưỡng bị cuốn vào các cuộc tranh cãi chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc (TQ).

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông - tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỹ dường như còn lo ngại rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể coi sự đảm bảo của Mỹ trong hiệp ước tương trợ là một lá chắn cho Nhật để đối phó với một TQ ngày càng quyết đoán ở Hoa Đông.

Một thực tế là chính Washington có vẻ như cũng bất an không kém Nhật về một TQ ngày một hùng mạnh.

Mỹ rất coi trọng việc duy trì mối quan hệ đôi bên có lợi với cả Nhật và TQ. Mặc dù Nhật vẫn được bảo trợ dưới chiếc ô an ninh của Mỹ, nhưng TQ vẫn quan trọng với Mỹ xét về lợi ích hơn là bất kỳ quốc gia châu Á nào vì TQ là thành viên thường trực HĐBA LHQ, một cường quốc đang nổi, cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Trên thực tế, TQ càng tích lũy được sức nặng về địa chính trị, càng quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền với các nước láng giềng, thì Mỹ lại càng có vẻ miễn cưỡng hơn khi đứng về một bên nào đó trong các tranh cãi chủ quyền biển đảo ở châu Á – cho dù đó là các quốc gia đồng minh hay đối tác chiến lược của Mỹ, vì Bắc Kinh tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Washington đã thể hiện quá rõ rằng cho dù họ ‘chuyển hướng’ về châu Á, họ vẫn không sẵn sàng liều mình bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của đồng minh nếu nó mâu thuẫn với của TQ, cũng như không hành động theo những cách có thể gây tổn hại tới mối quan hệ chính trị và kinh tế với Bắc Kinh.

Rốt cuộc, việc ‘chuyển hướng’ này không nhằm kiềm chế TQ, mà là nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài vai trò của Mỹ với tư cách là cường quốc cân bằng ở châu Á – một mục tiêu đã khiến Washington đi theo hướng ngầm trung lập trong các cuộc tranh cãi chủ quyền giữa TQ và các quốc gia láng giềng. Mỹ chỉ sẵn lòng lên tiếng khi TQ có các hành động có nguy cơ đụng chạm vào lợi ích của Mỹ.

Mỹ muốn ngăn ngừa sự trỗi dậy của một châu Á mà tâm điểm của nó là TQ. Nhưng Washington lại không muốn sa chân vào các ân oán lãnh thổ ở châu Á. Nếu có thể, Mỹ sẽ tìm cách để ủng hộ Nhật mà không khiến TQ ghẻ lạnh.

Tình thế gieo neo đó của Mỹ dường như đã khuyến khích TQ đặt cược vào việc dấy lên một chiến dịch chống Nhật liên quan tới xung đột ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh liên tục điều tàu áp sát quần đảo này gần như mỗi ngày, dấy lên lo ngại về leo thang quân sự ngoài ý muốn. Nhưng TQ không có vẻ gì là muốn thoái lui trong cuộc đối đầu này.

Những nhà hoạch định chính sách TQ chắc hẳn đã tính toán rằng trong một cuộc xung đột giới hạn giữa TQ và Nhật Bản tại biển Hoa Đông, với việc Washington không muốn dây dưa trực tiếp, Mỹ khó có thể đe dọa tới TQ.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ chính là nếu họ không làm gì nhiều để giúp Nhật trong tình cảnh này, uy tín của ‘tấm lá chắn’ Mỹ trên toàn cầu bị tổn hại nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao Washington lại muốn ngăn ngừa một cuộc xung đột quân sự Trung – Nhật.

Mối gieo neo của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Nhật phải tự lo thân nhiều hơn nữa và đừng ỷ lại quá mức vào Mỹ. Bên cạnh việc giải quyết dần các vấn đề về cấu trúc kinh tế, nhiều nhà phân tích cho rằng Nhật cũng cần phải ‘xem xét lại’ hiến pháp. Một số ý kiến cho rằng bản hiến pháp hòa bình mà Mỹ áp đặt đối với Nhật sau Thế chiến II cần phải thay đổi để cho lực lượng “Phòng vệ” trở thành một đội quân hoàn chỉnh và sở hữu vũ khí tấn công.

Lập luận này xuất phát từ việc Nhật có 6.800 hòn đảo xa bờ và cần tiềm lực phòng vệ trên không và trên biển tốt hơn nữa, bao gồm các hệ thống vũ khí tấn công trước như các tên lửa hành trình và các loại máy bay ném bom chiến lược cũng như các lực lượng bộ binh đổ bộ. Các ý kiến này cũng cho rằng Nhật phải mau chóng có các biện pháp xây dựng một bộ chỉ huy duy nhất và thống nhất cho quân đội của mình. (Tuy nhiên, các quan điểm như vậy có thể khiến các quốc gia từng là thuộc địa của Nhật trong Thế chiến II phản đối).

Để củng cố vai trò lâu dài của mình tại châu Á, Mỹ có trọng trách trong việc duy trì việc triển khai quân tại Nhật, đặc biệt là Okinawa. Tuy nhiên, Tokyo có lý do chính đáng để lo ngại rằng Mỹ có thể do dự trong việc bảo vệ Nhật về mặt quân sự nếu như họ bị TQ tấn công do tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư.

TQ rõ ràng sẽ muốn một Nhật Bản vẫn còn lệ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh hơn là một Nhật Bản đóng vai trò độc lập. Nhiều ý kiến từ Nhật cho rằng dù Washington quyết định thế nào chăng nữa, đã đến lúc Nhật cần nghiêm túc về việc củng cố quốc phòng, xác lập lại quyền phòng thủ tập thể theo đúng luật quốc tế, và hun đúc nên các mối quan hệ đối tác địa chiến lược bù lấp với các quốc gia châu Á có cùng chí hướng.

Lê Thu (theo JT)