- Sau khi chở xác con rể đến công an tự thú, ông Nguyễn Văn Nam khai: “Tôi giết thằng con rể tôi rồi…. Tôi thà hi sinh để gia đình được yên ổn chứ thế này sao mà sống".

Một cán bộ công an kể: Chiều 14/5 ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958) chở xác con rể (là anh Tôn Thanh V., SN 1982) đến trụ sở công an P.13, Q.Gò Vấp.

Sau đó ông Nam xộc thẳng đến một cán bộ công an, bình thản nói: "Tôi giết thằng con rể tôi rồi. Nó quá đáng quá! Tôi không chịu nổi. Tôi thà hi sinh để gia đình được yên ổn chứ thế này sao mà sống".

{keywords}

Ông Nguyên Văn Nam tại cơ quan công an

Theo điều tra viên, quá trình khai báo ông Nam bình tĩnh, tâm lý ổn định. Ông Nam lặp lại nhiều lần: “Tôi thà hi sinh, chấp nhận pháp luật trừng trị khi gây ra việc tày trời như thế này chứ không thể chịu nổi thằng con rể như thế”.

Theo lời ông Nam, cách đây 7 năm, khi con gái thứ 2 quen biết V., gia đình ông không ủng hộ vì anh này việc làm bấp bênh, tính khí thất thường đặc biệt là khi say xỉn. Nhưng vì con gái ông có mang nên gia đình ông buộc phải chấp nhận. Vợ chồng anh V. sau khi lấy nhau thuê trọ tại Q.12, đều làm công nhân.

2 năm trở lại đây, gia đình buồn phiền khi biết con gái thứ 2 thường xuyên bị V. hành hạ.

Điều tra viên kể: Ông Nam cho biết 2 tháng trước, đứa con gái tìm về nhà xin vợ chồng ông tá túc vì bị anh V. đánh một trận thừa sống thiếu chết. Ông Nam chấp nhận và khuyên con ở được thì ở, không thì giải thoát cho nhau đi. Và ông Nam cũng khai, từ đó đứa con rể càng quá quắt.

Hễ say là V. lại tìm đến trước nhà ông Nam chửi bới tục tĩu. Ông Nam có khai vài lần đã khuyên nhủ nhưng con rể thẳng thừng nhắm vào ông chửi thậm tệ. Ông đành nín nhịn suốt. Hàng xóm đôi lần góp ý anh V. cũng không xoay chuyển.

Chiều 14/5 anh V. lại đến trong cơn say rồi chửi bới. Ông Nam nằm lỳ trên gác nín nhịn. Thế nhưng ông chứng kiến cảnh V. xô xát, hành hung đứa con gái của ông vừa đi làm về tới nhà thì ông không thể nhịn, cầm dao trong nhà xông ra…

{keywords}

Ông Nam chở thi thể con rể đến công an phường tự thú

Bi kịch “kép”

Ít ai biết, ông Nam là người gây án, lại là một vụ giết người nhưng hiện tại người dân xung quanh, hàng xóm rất cảm thông với bi kịch của ông lẫn gia đình. Họ đang đùm bọc, hỗ trợ về vật chất, tinh thần để các thành viên trong gia đình ông Nam vượt qua bi kịch “kép”.

Vợ ông Nam, bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1956) 3 ngày nay chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền đưa thi thể con rể về Khánh Hòa an táng. Bà Phượng cho hay, vợ anh V. cũng theo về nhưng tâm trạng rối bời. Bà cũng không biết con gái có vượt qua được bi kịch nhân đôi này không...

Bà Phượng nói “cả đời của ông Nam là sống cho gia đình, con cháu; ăn không dám ăn, bệnh cũng âm nín, chịu đựng, không muốn con cái lo lắng, khổ sở. Rồi bà chia sẻ trong nước mắt: “Cả đời ông cày cực, làm nghề xe ôm kiếm sống, tính tình hiền lành, ai cũng quý mến. Giờ có tuổi, an dưỡng tuổi già, lấy công việc đưa đón cháu đi học làm niềm vui, vậy mà nào ngờ…”.

{keywords}

Bà Phượng (vợ ông Nam) chia sẻ về bi kịch “kép” của gia đình

Nói về con rể, tức anh V., bà Phượng cho rằng, chỉ thay đổi tính nết chừng 2 năm trở lại đây khi ghen tuông vô cớ… Bà Phượng tâm sự, ban đầu con gái bà giấu nhẹm nhưng cứ về thăm nhà là thấy mình mẩy mặt mũi bầm tím nên bà và các con gặng hỏi mãi mới thú nhận chuyện bị chồng đánh.

Khi hay chuyện, ông Nam cũng khuyên nhủ con gái cố gắng hàn gắn để sống hạnh phúc vì “xuất giá tòng phu”, cha mẹ không can thiệp sâu được. Ông còn khuyên anh V. nhưng cũng không chuyển biến gì.

Khi con gái khăn gói về xin tá túc cách đây 2 tháng, ông Nam dường như hiểu rằng hạnh phúc của con gái chắc chắn đổ vỡ. Theo bà Phượng còn kể, V. từng tìm đến công ty đánh vợ, rồi tìm đến tận nhà chửi bới, dọa giết cả gia đình. Ông Nam cứ nài nỉ bà: "Nhịn được thì cứ nhịn, còn có đứa cháu ngoại nữa, phải sống vì cháu”.

“Chồng tôi từng quỳ lạy xin con rể tha cho gia đình để yên ổn sống. Nhưng rồi con rể tôi cứ say lại tìm đến. Có lẽ lúc gây ra chuyện tày đình này, ông ấy quá bức xúc, bao nhiêu dồn nén phải bùng phát", bà Phượng đau đớn nói.

Kết thúc câu chuyện, bà Phượng lại nước mắt ngắn dài: "Không biết giờ ông ấy bệnh tình thế nào. Thuốc xin chưa kịp uống thì bị bắt. Tôi biết ông ấy làm như thế thì chấp nhận tất cả nhưng gia đình… đau lắm. Sức khỏe ông ấy giờ yếu lắm, biết có vượt qua được không?”.

Thay đổi cách tiếp cận khi nhận tin báo về bạo lực gia đình

Luật sư Phạm Hoài Nam (đoàn luật sư TP.HCM): Xét ở góc độ pháp luật, hành vi của ông Nam là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, được quy định tại điều 95 BLHS. Mức án mà ông có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định tại khoản 1 là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Như gia đình ông Nam chia sẻ với báo chí, người nhà đã nhiều lần trình báo với cơ quan chức năng địa phương, hội phụ nữ, cơ quan công an... về việc anh Tôn Thanh V. đánh vợ, chửi bới, đe dọa giết cả nhà; nhưng cái mà họ nhận lại chỉ là sự im lặng.

Theo LS Hoài Nam, vụ việc chiều 14/5 xem như là giọt nước tràn ly đối với ông Nam, không thể chịu đựng được nữa. Có lẽ trong thời điểm ấy ông không còn lựa chọn nào khác. Ông biết hành vi của mình là sai nên khi gây án đã sẵn sàng đi tự thú.

Biết rằng đây là việc gia đình, “đóng cửa bảo nhau”, nhưng khi đã không thể giải quyết được người ta mới cần đến sự can thiệp của nhà nước.

Qua vụ án thương tâm này, chúng ta cần xem là một hồi chuông cảnh tỉnh để các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an cần nên xem lại cách tiếp nhận và xử lý tin báo về tội phạm "bạo hành gia đình", một loại tội tiềm ẩn nguy hiểm đặc biệt cần phải xử lý nghiêm minh. LS Nam cho rằng đó là quyền con người cần được bảo vệ và xin đừng thờ ơ nữa.

Anh Sinh