Dốc hầm để xe tại nhà chung cư hay trung tâm thương mại là trở ngại không nhỏ đối với các tài xế, đặc biệt là những tay lái mới, ít kinh nghiệm. Trên thực tế, nhiều lái xe vượt qua các tầng hầm trong trạng thái “tim đập chân run”.  

Dưới đây là câu chuyện của anh Đặng Ngọc Duy (38 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với VietNamNet:

7 năm trước, sau khi có bằng lái không lâu tôi đã “tậu” về một chiếc xe cũ để phục vụ công việc và gia đình. Mới học lái xe, cùng với kinh phí eo hẹp nên tôi quyết định chọn mua một chiếc Kia Morning số sàn.

Với một chiếc xe nhỏ như Moring, việc di chuyển trong thành phố là tương đối dễ dàng, linh hoạt và khá phù hợp cho một lái mới như tôi. Tôi tự nhận mình có chút năng khiếu lái xe. Chỉ sau khoảng 1 tháng, tôi đã hết tình trạng “ngơ ngơ lái mới”, thậm chí tự tin đưa vợ con về quê, đi dã ngoại,... 

Thế nhưng, một điều khiến tôi “ám ảnh” mà sau này mỗi khi nhớ lại đều làm tôi có cảm giác “gờn gợn”, đó chính là những con dốc lên xuống các hầm để xe.

{keywords}
Tại các thành phố lớn, việc để xe ô tô dưới hầm đã không còn xa lạ với nhiều người.

Hôm đó là một buổi tối cuối tuần, tôi đưa vợ con đi chơi tại một trung tâm thương mại tại quận Cầu Giấy. Vượt qua 3 tầng hầm, tôi đã đỗ được xe không mấy khó khăn tuy rằng đây mới là lần đầu tiên tôi tự lái xe xuống một hầm sâu như vậy.

Lúc ra về, chiếc xe của tôi phải leo lên một con dốc rất dài và cao trước khi đến cửa trả vé. Chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe, tôi đã xếp hàng “bám đuôi” một chiếc xe phía trước khi đi ra khỏi hầm và chính điều này đã suýt hại tôi.

Đến giữa đoạn dốc dài, chiếc xe phía trước bất ngờ dừng lại một chút rồi mới đi tiếp, do bám quá gần nên tôi phải phanh cứng xe lại để chờ.

Thế nhưng, khi di chuyển tiếp, mặc dù đã vào số 1 và nhả dần chân côn giống như bài đề-pa lên dốc tôi đã từng làm hàng chục lần trước đó thì chiếc xe vẫn không di chuyển được, giật giật rồi tắt máy. Tệ hơn, chiếc xe bị trôi ngược về phía sau một đoạn khiến vợ tôi ngồi cạnh phải hét lên.

Tôi kéo phanh tay, khởi động xe, đề-pa và nhớ lại bài thực hành “côn ra – ga vào” một cách nhẹ nhàng nhất có thể, thế nhưng chiếc xe thậm chí còn rung lên mạnh hơn rồi lại tiếp tục lịm đi. Tôi thử lại 3-4 lần nữa nhưng đều thất bại.

Đoạn dốc lên cửa hầm khu trung tâm thương mại vì tôi mà bị nghẽn dài. Những chiếc xe đi phía sau có vẻ đang rất sốt ruột, thỉnh thoảng còi “bíp bíp” hướng đến tôi như vừa thúc giục, vừa trách cứ. Mùi khói trong hầm xông lên ngột ngạt, tôi mồ hôi như tắm.

Lúc này, một người đàn ông tầm 40 tuổi đang điều khiển chiếc xe phía sau đi lên hỏi thăm. Sau khi quan sát, anh này phát hiện tôi đề-pa nhưng vẫn đang để phanh tay. Do quá cuống, sợ xe trôi nên tôi đã kéo phanh tay và quên không nhả. Chính điều này khiến chiếc xe không thể di chuyển được và chết máy nhiều lần.

Rất may sau đó tôi đã lên được “mặt đất” một cách an toàn nhờ sự trợ giúp và động viên của người đàn ông kia. Tôi thở phào, mồ hôi vẫn chảy, tim đập thình thịch, chân trái vẫn run run vì đỡ côn nhiều quá.

Đó chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày đầu lái xe của tôi. Chính vì sự việc này mà sau đó tôi rất ngại lái xe đến những nơi có hầm, cứ thấy hầm là tôi sợ và… tránh xa.

Hiện nay, tôi đang sử dụng một chiếc xe số tự động đời mới, có chức năng tự động giữ phanh và khởi hành ngang dốc, rất thuận tiện cho việc đi lên xuống các tầng hầm để xe.

Thế nhưng mỗi khi phải lên xuống những đoạn đường dốc tại hầm chung cư hay trung tâm thương mại, tôi đều nhớ đến kỷ niệm “nhớ đời” ngày nào.

Độc giả Đặng Ngọc Duy (Hoàng Mai, Hà Nội)

Kỷ niệm của bạn với chiếc xe đầu tiên của mình thì sao? Hãy chia sẻ với chúng tôi bằng bài viết, ảnh, video về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Lần đầu mua ô tô: Tôi chăm xe hơn cả chăm vợ

Lần đầu mua ô tô: Tôi chăm xe hơn cả chăm vợ

Chỉ cần sơn xe hơi sứt sẹo một chút là tôi đưa đi “spa” tút tát lại ngay. Tôi coi chiếc xe như một người bạn thân thiết, chăm sóc kỹ hơn cả vợ.