LTS: Nhân bài viết "Học lái xe xong, bằng lái cất tủ, ra đường có an toàn?" đăng ngày 15/11, toà soạn tiếp tục nhận được các bài viết chia sẻ của độc giả về bài học kinh nghiệm từ nước ngoài cho Việt Nam. Dưới đây là bài viết của độc giả Lê Minh Toàn từ nước Úc.

Giấc mơ sở hữu xe hơi đối với nhiều gia đình Việt Nam giờ đã dễ dàng hơn, kéo theo, việc học lái xe ô tô đã trở thành nhu cầu ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ở ta không có nhiều sự thay đổi.

Qua truyền thông, có thể thấy, vẫn còn tình trạng tiêu cực khi thi cử như bao đỗ lý thuyết, mua xe thi…

Mới đây, Chính phủ dự kiến tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật. Trong đó, theo dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì, Bộ này thực hiện chức năng sát hạch và cấp GPLX thay cho Bộ Giao thông vận tải. Kết quả là 321/414 (77,54%) Đại biểu Quốc hội không đồng ý Bộ Công an cấp giấy phép lái xe.

Thực tế cho thấy, việc quan trọng nhất là phải đổi mới cách thức học và quản lý, cấp phép lái xe như thế nào cho chất lượng, hiệu quả.

Cách tổ chức học và quản lý cấp giấy phép lái xe ở nước Úc có thể là một bài học tốt cho Việt Nam.

Tại đây, thủ tục học và thi khá đơn giản, tiện lợi. Sở Giao thông tại các bang (tên gọi có thể hơi khác tuỳ theo từng bang do có thêm các chức năng khác) phụ trách việc sát hạch và cấp phép. Trong đó, tiểu bang New South Wales (NSW) và Victoria (VIC) là hai hình mẫu tiêu biểu cho việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe tại Úc.

Trong quãng thời gian này, người dân sẽ phải trải qua quá trình học và chịu sự giám sát liên tục 4 năm. Theo từng giao đoạn học, người dân sẽ được cấp và chuyển hạng dần dần từ GPLX hạng L, hạng P1, hạng P2 và cuối cùng là hạng đầy đủ (hạng Full).

Hạng L: Thực hành lái xe trong 1 năm có người giám sát

Năm đầu tiên là bằng hạng L- GPLX cấp cho người thi đỗ lý thuyết cơ bản để tiến tới được phép thực hành lái xe.

Người thi sẽ thi tại các trung tâm thi sát hạch lái xe với việc phải hoàn thành bộ “đề” 45 câu hỏi cơ bản. Nếu trả lời đúng 90% câu hỏi thi và không có điểm liệt (bị trượt ngay) thì người học sẽ được xác nhận là thi đỗ lý thuyết (GPLX loại L).

GPLX loại L này có giá trị trong 5 năm ở bang New South Wales và 10 năm ở bang Victoria. Nếu trượt, người thi sẽ chỉ được đăng ký thi lại sau 1 tuần. Theo thống kê, riêng tại bang New South Wales cũng có khoảng 30% người thi trượt phần thi lý thuyết này.

{keywords}
Người Úc mất 4 năm gian nan, trầy trật mới có thể được lấy bằng đầy đủ

 Người dạy kèm này có thể là chính những người thân, bạn bè hoặc thuê giáo viên dạy lái chuyên nghiệp tại các trung tâm với mức chi phí khoảng 40-50$/giờ dạy thực hành trên đường. Vì chi phí đắt đỏ nên nhiều người chỉ thuê thầy dạy 5-10 giờ ban đầu rồi sau đó nhờ người thân, bạn bè có bằng FULL dạy kèm.  Sở hữu tấm bằng L, người dân mới được phép thực hành lái xe với điều kiện phải có người có bằng FULL (GPLX đầy đủ) ngồi kèm, được phép lái xe không quá 90km/giờ.

Tại bang New South Wales, người học phải hoàn thành 120 giờ lái xe thực hành có ghi sổ (Log Book), trong đó có 20 giờ lái vào ban đêm và phải giữ  GPLX hạng L ít nhất 12 tháng (người trên 25 tuổi không bị áp dụng quy định này từ ngày 19/12/2009), sau đó mới có thể tham dự thi “nâng hạng” cấp GPLX P1 (còn gọi là P đỏ).

Khi ra đường, người học phải treo bằng L lên trước và sau xe để người tham gia giao thông nhận biết, đảm bảo an toàn.

Hạng P1: Được lái tối đa 90km/h

Năm thứ hai, người thi muốn lấy bằng P1, sẽ phải vượt qua phần thi lý thuyết trên máy tính có tên gọi là phần thi Ngăn ngừa rủi ro khi lái xe (Hazard Perception Test- HPT, áp dụng từ 20/11/2017) và thi đỗ phần thi thực hành lái xe.

Các nhân viên của Sở Giao thông sẽ đánh giá tất cả các kỹ năng mà người lái xe cần phải thành thạo và xử lý khi đi trên đường. Phần thi thường kéo dài khoảng 45 phút trên tất cả các kiểu đường khác nhau, địa điểm công cộng, lái xe qua khu vực trường học hay nơi tập trung đông người (người thi hay bị trượt phần thi này do không nhìn biển hạn chế tốc độ 40km/h vào giờ cao điểm), các bài thi liên quan đến đỗ xe trên đường (bao gồm cả đỗ song song, đỗ chéo), trong khu vực mua sắm…

Nếu trượt bất cứ nội dung nào trong phần đánh giá, người thi sẽ bị đánh trượt và chỉ có thể đăng ký thi lại sau 1 tuần.

Đáng chú ý là, mặc dù điều kiện đường sá của Úc là lên dốc, xuống đèo, nhưng trong thi thực hành lại không có nội dung thi phần dừng xe và khởi hành ngang dốc (depart) như Việt Nam.

Với bằng P1, người dân được phép tự mình lái xe mà không cần người giám sát theo các điều kiện như chạy tốc độ tối đa cho phép là 90km/h, không có nồng độ cồn khi lái xe, không được sử dụng điện thoại khi lái xe....

Bằng P1 giới hạn cho người lái 4 điểm để được trừ khi phạm lỗi trong khi với người có bằng Full là 13 điểm. Nếu vi phạm luật giao thông, bị trừ hết điểm, người lái có thể bị phạt kéo dài thời hạn chuyển đổi lên GPLX hạng P2 (3 tháng/lần đình chỉ).

Người lái cũng phải giữ GPLX P1 ít nhất 12 tháng liên tục mới được thi lấy GPLX P2 (P xanh).

Hạng P2: Thử thách 2 năm, được lái tối đa 100km/h

Đến năm thứ 3, người thi dự thi nâng hạng bằng P2 cũng tương tự như P1 với việc thi lý thuyết và thực hành cấp độ phức tạp hơn. Người có bằng P2 được lái xe tốc độ tối đa là 100km/h, không có nồng độ cồn khi lái xe và không được dùng điện thoại khi lái xe (từ năm 2016).

Với hạng P2,  người lái được giới hạn 7 điểm để được trừ khi phạm lỗi giao thông. Nếu vi phạm, khi bị trừ hết điểm có thể bị phạt kéo dài thời hạn chuyển đổi lên GPLX hạng cao hơn (mức 6 tháng/lần đình chỉ).

Người lái phải giữ GPLX P2 ít nhất 2 năm và không phạm lỗi bị đình chỉ kéo dài thời hạn 6 tháng nói trên mới được chuyển lên thi GPLX đầy đủ (GPLX hạng Full).

Hạng Full: Không vi phạm giao thông trong 4 năm liên tục

Như vậy, nếu không có vi phạm, một người cần ít nhất 4 năm liên tục để có GPLX hạng đầy đủ. Quy định này giúp cho các lái xe tại Úc có điều kiện hoàn thiện kỹ năng và phản ứng trên đường vì thống kê cho thấy các tài xế mới là người dễ gây ra các tai nạn trên đường nhất tại Úc. Các quy định này cũng áp dụng tương tự tại các bang khác của Úc.

Một điểm đáng chú ý khác, nước Úc cũng quy định các lái xe ở các hạng bằng L, P1, P2 phải treo bằng ở vị trí dễ quan sát ở trước và sau xe. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt rất nặng. Quy định này khá tương tự như ở Nhật Bản, các lái mới được cấp bằng lái xe trong năm đầu tiên phải dán phù hiệu Shoshinsha để báo hiệu cho người tham gia giao thông về trình độ lái của mình.

So với Việt Nam, Úc cho phép người từ 16 tuổi sẽ được học lái và được cấp bằng L. Khi chuyển hạng P1 phải đủ từ 17-18 tuổi. Dự thảo Luật mới của Việt Nam có đề xuất được phép học lái xe từ năm 17 tuổi.

Có thể thấy, nước Úc đề cao khả năng thực hành lái xe an toàn. Các quy định cho việc thực hành lái xe rất thuận tiện do đường sá rộng rãi, luật lệ rõ ràng, xã hội hoá cao. Việc sát hạch lái xe là chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao thông chứ không phải của cơ quan cảnh sát.

Việc gắn thêm các bảng L, P1, P2 vào trước và sau xe với các quy định rõ về tốc độ và thời gian nắm giữ đi kèm và các quy định rõ ràng khác về điều kiện, khiến cho người lái xe ở Úc hiểu rõ và có ý thức với chính bản thân mình và xã hội khi cầm lái.

Cách phân hạng GPLX cá nhân và khoảng thời gian thử thách như vậy cho thấy nước Úc đề cao trách nhiệm cá nhân của người lái với mọi người xung quanh. Người dân Úc lái xe trên đường nhìn người phía trước gắn bảng L, P1, P2, họ cũng lưu tâm giữ khoảng cách và không tạo ra các tình huống nguy hiểm cho người mới học lái. Riêng tài xế xe taxi hay xe công nghệ, nước Úc yêu cầu phải có bằng Full mới được phép lái/đăng ký.

Tiếc rằng, ở Việt Nam, chúng ta không có cách thức nào tương tự để mọi người dân ra đường được báo hiệu về trình độ lái mới, ngoài trừ một vài trường hợp chủ động dán giấy hay nhận biết qua quan sát cách lái. 

Nếu những bài học như ở Úc được áp dụng ở Việt Nam, sẽ giúp cho người lái nâng cao được kinh nghiệm lái còn thiếu của mình, dễ nhận biết với người khác trên đường và quan trọng hơn, sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông cho mọi người, nhất là những người còn non kinh nghiệm.

Độc giả Lê Minh Toàn (bang New South Wales, Úc)

Bạn có đề xuất gì để việc học, thi lấy bằng lái xe và kiểm soát "lái mới" ở Việt Nam tốt hơn? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Bằng lái cất tủ: Xem cách người Nhật ứng xử với lái mới, lái non

Bằng lái cất tủ: Xem cách người Nhật ứng xử với lái mới, lái non

Khi ở Việt Nam, hàng ngày tôi vẫn lái xe đi làm, nhưng khi sang Nhật công tác và lái xe bên này, tôi vẫn có cảm giác không an toàn. Người Nhật đã nghĩ ra chiếc phù hiệu rất hay dành riêng cho lái mới.

Học lái xe xong, bằng "cất tủ", ra đường có an toàn?

Học lái xe xong, bằng "cất tủ", ra đường có an toàn?

Người ít lái xe sẽ rất dễ “ngợp” khi ra đường, dẫn đến chân tay lóng ngóng, phản xạ kém, mất an toàn. Thực tế là vậy nhưng để quản lý “số đông” này không phải là chuyện dễ.