- Vàng mất giá, chứng khoán tụt điểm trong khi BĐS vẫn chìm trong bê bết, sản xuất kinh doanh còn khó khăn đã khiến tài sản của nhiều người thâm hụt nặng nề, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã bị bốc hơi.

Hao hụt tài sản

Sáng 26/6, giá vàng trong nước tụt sâu theo thế giới và đã đánh mất mốc 38 triệu đồng/lượng xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong nhiều năm, vàng xuống mức 37,7 triệu đồng.

Chỉ trong 2 tháng qua, giá vàng trong nước đã mất hơn 3 triệu đồng/lượng, tương đương với mức giảm hơn 7%. Nếu so với thời vàng 49 triệu đồng/lượng, nhiều người đã mất khoảng 23%. Đây là mức tụt giảm quá lớn, trái ngược với tình cảnh cứ cầm vàng là thắng trong gần 12 năm trước đó.

Không bi đát như dân đầu cơ nhưng thói quen mua vàng làm của để dành đã khiến không ít người cảm giác buồn khi giá liên tục giảm, những đồng tiền tích cóp ngày càng bị hao hụt. Nhiều người không biết phải làm gì, bán hay tiếp tục giữ vàng để bảo toàn tài sản của mình.

Trên TTCK, tình cảnh có vẻ tốt đẹp hơn với những người mua vào hồi cuối năm ngoái. Đợt sóng lên gần 30% hồi đầu năm khiến chứng khoán Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường “nóng” nhất thế giới và được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là hấp dẫn.

{keywords}

Song đợt giảm giá trong gần 3 tuần qua đã kéo chỉ số VN-Index từ 528 điểm xuống ngưỡng 470 điểm tính tới ngày 26/6. Mức giảm 11% trong một thời gian khá ngắn khiến nhiều NĐT đặt ra câu hỏi, liệu TTCK còn đứng trước một con sóng rất lớn, tính bằng chu kỳ 5-10 năm như nhiều chuyên gia dự báo hay không?. Nhiều lời khuyên mới như: “nên đứng ngoài thị trường”, “không nên bắt đáy” khiến nhiều NĐT không yên lòng khi chứng kiến tài sản mỗi ngày bị bào mòn.

Với BĐS, nhiều người dân, DN cũng như NH vẫn như ngồi trên đống lửa bởi thị trường không có chuyển động nào thực sự tích cực. Giao dịch vẫn trầm lắng, giá không những không lên mà nhiều nơi tiếp tục xuống. Một số vùng đất ngoại thành Hà Nội giá có nơi giảm 4 lần từ mức 30 triệu xuống còn dưới 10 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua. Cảm giác mất mát và đau đớn với nhà đất thì cả thị trường đã nếm quá đủ.

Trong bối cảnh các tài sản bị hao hụt, thu nhập của đa số người lao động không tăng, hiện tượng “nghèo” đi trở nên phổ biến. Một câu hỏi đặt ra là, tiền được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, từ người này sang người khác, vậy thì ai là người được lợi trong bối cảnh kinh tế vẫn đang gặp khó khăn như hiện nay. Hay là tất cả đều thiệt thòi và đây là sự trá giá cho một cái gì đó trong quá khứ?

Trả về giá trị thực?

Tài của các gia đình Việt Nam ngót đi trông thấy trong một hai năm gần đây. Nhiều người không hiểu vì sao tất cả các thị trường cùng nhau đi xuống. Trong khi, đáng nhẽ ra, nếu vàng trong xu hướng giảm thì tiền sẽ chảy sang BĐS hoặc chứng khoán...

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả đều đi xuống. Nó khiến nhiều NĐT nghĩ đến một sự thịnh vượng ảo trong quá khứ và giờ đây nền kinh tế phải trả giá. Trên thế giới, nhiều chuyên gia nổi tiếng đã liên tục cảnh báo giới đầu tư rằng, thế giới đang sống trong tình trạng mọi thứ đều bong bóng, tất cả đều được nhân lên nhờ sự đột phá trong công nghệ giao dịch như giao dịch trực tuyến, hàng hóa giao sau, các sản phẩm phái sinh... và tình trạng đầu cơ phổ biến.

Một lãnh đạo ngân hàng từng cho biết, trong 10 năm trước đó tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm là 29,4%, và những năm cuối trong chuỗi 10 năm đó, tăng trưởng bình quân là 33%. Mức tăng trưởng nói trên dường như quá cao so với tốc độ tăng GDP khoảng 6-8%.

{keywords}

Đồng tiền đầu tư hiệu quả thấp nhưng lạm phát luôn ở mức rất cao. Và thực tế cũng đã chứng minh, GDP nhiều khi không tăng tương ứng với tín dụng, như 2010 tăng trưởng tín dụng là 31,2% nhưng GDP chỉ đạt 6,78%. Trong khi năm 2011 tín dụng 13% song GDP vẫn đạt gần 5,9%.

Rất có thể, tn dụng được bơm ra nhiều khi không chảy vào sản xuất mà lại tập trung quá nhiều vào một số tài sản, có thể gây ra hiện tượng bong bóng.

Trong thời kỳ tín dụng nới lỏng, lợi ích chẳn hẳn đã rơi vào người dân, vào cộng đồng doanh nghiệp mà có khi chỉ rơi vào một nhóm bộ phận nhỏ có cửa tiếp cận với nguồn tiền ngân hàng. Hiện tượng doanh nghiệp sân sau, đầu tư đa ngành dàn trải, đầu tư tài chính, sở hữu chéo… bùng phát minh chứng cho điều này.

Sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận cũng có thể giúp hình thành nên các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Thánh Gióng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, bên cạnh sự lớn mạnh được cho là thần kỳ thì câu chuyện phát triển bền vững lại là một đòi hỏi chưa bao giờ được coi trọng tương xứng. Những đổ vỡ và yêu cầu tái cơ cấu là câu trả lời cho điều này.

Từ 2011, chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến dòng tiền bị co hẹp đột ngột. Nhiều kênh đầu tư không thu hút được dòng tiền và đã khiến hàng loạt các thị trường, các loại tài sản sụt giảm. Tiền bị co lại đồng nghĩa với cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực thụ cũng thiếu tiền, trong khi sức cầu nội địa suy giảm. Sự đình đốn là khó tránh khỏi.

Trong hoàn cảnh đó, việc bơm tiền để thúc đẩy kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, với những bài học chưa cũ thì việc bơm tiền đúng chỗ, đúng liều lượng luôn là đòi hỏi không bao giờ thừa.

Huấn Tú