BHXH Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 5-2021, có 103.918 người hưởng BHXH một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động (NLĐ) bị mất việc làm, không có đủ thu nhập để bảo đảm cuộc sống; một phần khác là do BHXH một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, rà soát, đối soát dữ liệu.

Nữ hưởng BHXH một lần cao hơn nam

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỉ lệ hưởng BHXH một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. "Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy trong giai đoạn 2016-2019, người nghỉ hưởng BHXH một lần chủ yếu là những NLĐ sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH (trung bình khoảng 97%)" - ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết thêm.

Nới lỏng điều kiện để nhận lương hưu - Ảnh 1.

Việc nới lỏng điều kiện nhận lương hưu sẽ khuyến khích người lao động tham gia BHXH Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chia sẻ với những khó khăn của NLĐ khi công ty ngừng hoạt động hoặc phá sản khiến không ít NLĐ phải nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như "của để dành" được nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Nếu vì những khó khăn trước mắt, không suy tính và nhận luôn BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. "Khi NLĐ có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích lũy BHXH từ con số 0 và như vậy rất nhiều khả năng không thể tích lũy đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động" - ông Lợi nói.

Đóng BHXH 10 năm cũng được nhận lương hưu

Theo chủ trương mới của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 28, điều kiện để nhận lương hưu sẽ được nới lỏng hơn rất nhiều. Mới đây, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật BHXH 2014 quy định NLĐ đủ tuổi quy định đóng đủ 20 năm BHXH trở lên mới được hưởng lương hưu khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để nhận lương. Cùng với tác động kinh tế, không ít người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.

Đánh giá về quy mô tham gia BHXH, Bộ LĐ-TB-XH cho biết tính đến năm 2020 mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) trong tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng.

Cũng liên quan đến chế độ hưu trí, dự thảo tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Cụ thể, nếu thời gian tham gia BHXH tối thiểu được rút xuống 15 năm hoặc là 10 năm, thì công thức tính lương hưu cũng sẽ phải thay đổi. Đồng thời, bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đến nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu. Hiện nay, mức lương hưu tối thiểu đang được quy định là bằng với mức lương cơ sở, tức là chỉ có 1,49 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay đang nhận 100 triệu đồng/tháng. 

Siết điều kiện hưởng BHXH một lần

Theo BHXH Việt Nam tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là hơn 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động). Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là hơn 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020. Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp tăng thêm 74.634 người trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm là gần 296.000. Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng chỉ giải quyết đối với NLĐ khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.

(Theo Người Lao Động)

Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì có lương hưu?

Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì có lương hưu?

Bà Nguyễn Lan Hương hỏi, nếu đóng BHXH tự nguyện thì thời gian tính để nghỉ hưởng lương hưu là bao nhiêu năm? Có khác gì so với BHXH bắt buộc không?