Yến sào vốn là một trong 8 món ăn bổ dưỡng của cung đình. Hiện nay, một kilogam yến thô thượng hạng có thể có giá tới cả tỷ đồng. Ngoài ra các loại yến sào khác cũng có nhiều mức giá khác nhau từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng.

Càng gần Tết nguyên đán, nhu cầu mua các sản phẩm sang trọng, quý hiếm như yến sào làm quà biếu càng tăng lên. Lợi dụng tâm lý này, nhiều người làm ăn chộp giật đã dùng các thủ thuật tạo ra yến giả, nhái, kém chất lượng, pha trộn phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng hòng trục lợi.

{keywords}
 

Trên mạng xã hội, không ít người chia sẻ việc bị lừa khi mua yến sào online. Có người bỏ ra tiền triệu để mong mua được sản phẩm quý bồi bổ sức khỏe nhưng đến khi sử dụng mới vỡ lẽ ra là mủ trôm, thạch rau câu pha trộn...

Vậy người tiêu dùng làm thế nào để nhận biết sản phẩm yến sào chất lượng, xứng đáng với giá tiền? Đây là kinh nghiệm từ chính những chủ nhà yến có thâm niên trong nghề sẽ giúp bạn trở thành người tiêu dùng thông thái:

Theo ông Trần Tú - chủ một nhà yến có thâm niên 8 năm, rộng 1.000m2 tại huyện Tân Uyên, Bình Dương, về quy trình chế biến chia 2 nhóm: yến thô và yến tinh chế; về nguồn gốc thì bao gồm yến đảo và yến nuôi. Với mỗi loại yến, chúng ta lại có cách phân biệt khác nhau:

1. Phân biệt yến thô thật, giả

{keywords}
 

Phân biệt bằng mùi và hình thức

Theo những người kinh doanh yến sào lâu năm, tổ yến thật thường có mùi tanh của nước biển. Tổ yến thật thường có có màu trắng vàng hoặc vàng da cam, và không phai màu khi ngâm nước. Với yến nguyên tổ, sợi chồng chéo đan xen như xơ mướp đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

Nếu lựa chọn yến thô, bạn nên chú ý lựa chọn những tổ yến còn chân (phần đế cứng, dày, chắc ở 2 bên tổ). Phần bên trong tai yến thường mỏng hơn, phần bụng bên trong tổ đan vào nhau giống như xơ mướp.

Tổ yến thô thật thường có hình thức không hoàn hảo, độ dày mỏng khác nhau. Khi soi yến thật dưới ánh nắng thì chúng ta các thể nhìn thấy ánh sáng xuyên qua.

Trong khi đó, tổ yến giả là sản phẩm đã được các cơ sở trộn chất phụ gia, thêm các loại sợi rau câu, mủ trôm, đường... để làm tăng trọng lượng và dùng chất tẩy trắng để làm cho hình thức của tổ yến đẹp hơn.

Khi sờ tổ yến giả, các sợi yến khít chặt vào nhau, sợi có vẻ mềm mịn. Tổ yến thô giả hoặc pha trộn sẽ có mùi tanh tương tự như mực, cá khô. Khi soi dưới ánh mặt trời, yến giả sẽ có dạng đục và phản chiếu ánh sáng.

Phân biệt bằng cách ngâm nước

{keywords}
 

Để phân biệt yến sào thật hay đã được pha trộn, chúng ta có thể lấy 1 phần tổ yến để ngâm nước hoặc đun sôi.

Yến thật, dù ngâm nước hay đun sôi đều còn nguyên hình dạng sợi, nước ngâm vẫn trong, không biến màu dù có thể nhìn thấy một chút cặn bẩn. Trong khi yến giả sẽ dễ dàng bị bở ra, nước ngâm vẩn đục sau vài phút.

Yến thật khi ngâm nước sẽ cho sợi mềm dẻo, hơi nở, các sợi giữ nguyên hình dáng dù là yến vụn. Ngoài ra, tổ yến già ăn giòn hơn, tổ yến non sẽ nhão hơn. Yến nấu chín còn nóng sẽ có mùi đặc trưng, tanh nhẹ, không nhả sợi. Nếu yến chế biến xong chưa dùng ngay, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mùi tanh sẽ gần như biến mất.

Trong khi đó, yến giả hoặc được pha trộn thêm phụ gia thì sẽ dễ dàng tan ra sau vài phút và bị nhão. Nếu yến sào trộn mủ trôm, rong biển thì dai, cứng và có mùi tanh nồng. Nước ngâm yến dễ vẩn đục, sợi yến dễ phai màu rất nhiều.

2. Phân biệt yến tinh chế

{keywords}
 

Yến tinh chế là tổ yến thô được nhặt sạch lông và các tạp chất. Cấu trúc của yến tinh chế sẽ khác đi so với tổ yến thô ban đầu. Bởi vậy, đây thường là loại dễ bị làm giả hơn bằng cách phủ thêm phụ gia (đường, muối, gelatin, chất kết dính...) cho nặng cân. Người ta cũng có thể độn thêm rau câu, mủ trôm, rong biển để làm giả yến tinh chế.

Phân biệt bằng mùi và hình thức

{keywords}
 

Yến tinh chế nguyên chất thường có tính chất xốp, hơi giòn, dễ vỡ, không dẻo do hút ẩm) dù có để lâu ngày trong không khí. Khi bóp, bẻ nhẹ, sợi yến sẽ vụn gãy ngay. Sợi yến tinh chế có tính chất xơ, hơi ráp.

Trong khi đó, yến tinh chế giả/độn sẽ có cảm giác các sợi bết, bó chặt thành khối, khó bẻ vỡ. Nếu độn đường, gelatin, collagen... thì chỉ cần tiếp xúc với không khí vài ngày là tổ yến sẽ trở nên dẻo, đàn hồi. Sợi yến giả có vẻ bóng bẩy, to hơn.

Nếu bạn nhận thấy yến tinh chế có mùi tanh nồng, thì khả năng cao là yến được trộn, phết lòng trắng trứng.

Phân biệt bằng vị

Yến nguyên chất thường không có vị gì. Nhưng yến được pha trộn thường có vị mặn hoặc ngọt. Để phân biệt, bạn hãy bẻ một miếng yến to khoảng đầu ngón tay út, nếm thật kỹ xem có vị ngọt hay mặn không. Bởi nhiều loại yến được làm giả một cách tinh vi, chỉ phủ nhẹ một lớp đường, nên nếu không nếm miếng lớn thì rất khó phát hiện.

Phân biệt bằng cách chưng lên

{keywords}
 

Yến thật khi chưng khoảng 1- 20 phút sợi yến sẽ hút nước và nở to, trở nên trong hơn, nhưng không tan, không nhão. Tùy theo độ tuổi của chim và độ dài của sợi yến, thành phẩm sẽ dai nhiều hay ít, nhưng không bao giờ tan hoàn toàn.

Yến thật có thể hơi tanh nhẹ khi chưng nóng, các sợi yến nổi hết lên trên. Nhưng khi được bảo quản trong tủ lạnh, yến thật sẽ không còn mùi.

Yến giả khi chưng lên sẽ có mùi tanh đặc trưng của các phụ gia như lòng trắng trứng, rong biển... Nếu yến được độn bằng rau câu, càng để lâu, yến càng tan nhiều, nước chưng yến sẽ đục, thậm chí đông lại thành tảng như rau câu. Nếu yến được độn bằng rong biển, khi chưng lên sợi sẽ nở to, thô và ăn sần sật.

Do tổ yến có giá trị dinh dưỡng cao nên bạn cần chế biến đúng cách. Tùy theo mỗi vùng miền có thể có các cách chế biến khác nhau, nhưng phổ biến nhất là chưng yến với đường phèn và các bị thuốc bắc, táo đỏ, hầm gà... Đặc biệt, bạn không nên dùng dụng cụ kim loại để chế biến yến mà chỉ nên sử dụng đồ sứ.

{keywords}
 

Để lựa chọn được sản phẩm tốt, chất lượng tương xứng với giá tiền, bạn nên lựa chọn những cơ sở yến sào có uy tín, địa chỉ rõ ràng, có thâm niên lâu năm. Người tiêu dùng nên sáng suốt, không nên ham rẻ, tin vào những sản phẩm gắn mắc "giá rẻ siêu sốc", "thu hồi vốn" với mức giá rẻ bất ngờ.

Bởi thông thường, mỗi lạng yến thô xuất xưởng đã có giá trên 2 triệu, chưa tính việc hao hụt 20 - 30% trong quá trình làm sạch và sấy khô, công lao động nhặt sạch yến cho mỗi lạng khoảng 300 - 350.000 đồng... Chính vì thế, kể cả có bán để thu hồi vốn cũng không thể có yến nguyên chất với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/lạng.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)