Căn phòng trọ rộng chưa đến 20 m2 của chị Thư (32 tuổi) tại quận Thủ Đức, TP.HCM giờ đây thiếu cả lối đi vì chất đầy những thùng đồ to nhỏ. Bên trong là đủ các mặt hàng làm đẹp, chăm sóc da, từ mặt nạ giấy, kem dưỡng ẩm đến son môi, phấn nước, nước hoa…

Vài tháng trước, dịch bệnh bùng phát khiến công ty môi giới nhà đất nơi chị đang làm việc gặp khủng hoảng. Những nhân viên sale như chị Thư nghỉ gần hết do không có khách hàng. Số còn lại cố bám trụ song lương thưởng chẳng được bao nhiêu.

Để cải thiện thu nhập, chị Thư và một số đồng nghiệp chuyển sang kinh doanh online. Vì toàn là “tay mơ”, tất cả bắt đầu bằng việc cộng tác cho một trang bán mỹ phẩm online của người quen. Các sản phẩm rao bán được giới thiệu đều là hàng chính hãng, xách tay từ nước ngoài nên giá đôi lúc chỉ rẻ bằng một nửa trên thị trường.

{keywords}
Nhiều người sập bẫy bán hàng online "cải thiện thu nhập" mùa dịch.

Chị Thư và một đồng nghiệp quyết định hùn tiền, mua hàng số lượng lớn để trở thành “đại lý quen”, được chiết khấu 15%. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị Thư phát hiện các sản phẩm không giống như quảng cáo, tất cả đều là hàng giả, chất lượng rất kém.

Sau vài tháng, số hàng trị giá hơn 6 triệu của chị Thư vẫn nằm yên vị trong căn phòng trọ vì bán không được, vứt không xong, dùng lại không dám. “Một vốn 10 lời, thời điểm ai cũng khó khăn vì dịch, nên càng dễ bị lừa vì những lời quảng cáo ngon ngọt”.

Mất việc, kinh tế khó khăn do dịch bệnh, nhiều người vội vàng đi tìm nơi làm mới để trang trải. Tuy nhiên, những mánh lừa đảo đánh vào tâm lý "cần việc" của mọi người ở thời điểm này dễ khiến nhiều người mất phương hướng và bị lừa, tiền mất tật mang. Nhiều người dù nhờ đến trung tâm môi giới song cũng khốn đốn sau dịch khi bị những nơi này "đem con bỏ chợ".

Sập bẫy bán hàng online

Tương tự trường hợp chị Thư, Bích Trâm (24 tuổi), mất việc tại một công ty du lịch vào hồi tháng 2, tìm đến một trang rao vặt việc làm trên Facebook nhằm “kiếm kế sinh nhai an toàn” mùa dịch, song cuối cùng cũng “tiền mất tật mang”.

Trong số hàng chục tin tuyển dụng mỗi ngày, đến 70% là các tin tuyển cộng tác viên bán hàng online từ những người tự giới thiệu là đại lý của các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam.

Nửa tin nửa ngờ về những lời quảng cáo mát tai, nhưng Trâm bị thuyết phục hoàn toàn bởi những dòng giới thiệu “không yêu cầu bỏ vốn đầu tư, hoa hồng cao, có thể hoàn trả sản phẩm nếu không bán được”.

Cô quyết định chọn một công ty có ghi địa chỉ, số điện thoại rõ ràng và cũng được nhiều người review tốt, xếp hạng cao trên mạng để liên hệ xin cộng tác. “Phải nói lúc đó cũng túng quá làm liều. Giờ nghĩ lại thấy mình sao dại dột, dễ tin”.

{keywords}
Nhiều người chọn cộng tác bán hàng online vì không tốn tiền đầu tư, hoa hồng cao, có thể đổi trả hàng nhưng cuối cùng tiền mất tật mang.

Qua liên hệ tin nhắn Facebook với chủ đại lý tại TP.HCM, Trâm được tư vấn mỗi ngày đăng một bài quảng cáo bán hàng với giá 100.000 đồng. Nếu có khách hàng liên hệ đặt mua, Trâm có thể lấy hàng của công ty với giá sỉ sau đó bán lại với giá cao hơn vài chục đến vài trăm nghìn và hưởng số tiền lênh chệch.

Mặt hàng của công ty này rất đa dạng từ khẩu trang, quần áo, mỹ phẩm cho đến thực phẩm chức năng. Tất cả được giới thiệu là hàng xách tay Nhật Bản. Sau vài ngày đăng quảng cáo, Trâm được một số khách inbox hỏi mua. Ban đầu cô chưa dám lấy hàng với số lượng lớn vì sợ khách “bùng”.

Vài ngày sau, thấy mọi chuyện thuận lợi, càng làm càng hăng, 9X "chơi lớn" dùng toàn bộ tiền tiết kiệm hơn 5 triệu đồng để đặt hàng về bán dần. Tuy nhiên, những khách hàng đặt đơn nhiều ngày sau vẫn không nhận điện thoại của shipper, có người thẳng tay tắt máy.

Trâm hoảng hốt gọi đến công ty xin trả hàng cũng không nhận được hồi âm, tìm đến tận địa chỉ lại không thấy công ty nào. Lúc này, cô mới biết mình đã bị sập bẫy bán hàng online. “Hóa ra chủ công ty với khách cùng một giuộc. Mình mất sạch tiền tiết kiệm vì cú lừa việc nhẹ lương cao mùa dịch".

Mất phí môi giới vẫn không có việc

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn, Nguyễn Phương (23 tuổi) không về quê xin đi dạy vì mức lương giáo viên hợp đồng quá thấp để trang trải cuộc sống. Cô ở lại thành phố và nhận dạy gia sư trong thời gian tìm một công việc ổn định hơn.

Sau Tết Nguyên đán, thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm, Phương xin được một chỗ dạy với mức phí trả cho bên môi giới là 500.000 đồng.

Dịch bệnh bùng phát, học sinh đều nghỉ học rồi thực hiện lệnh giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc chưa kịp dạy buổi nào đã “nằm nhà” chờ dịch qua.

Hơn một tháng nghỉ, Phương gặp khó khăn lớn khi không thể kiếm được tiền vì mọi lớp gia sư đều nghỉ. Cũng không thể về quê, cô mắc kẹt ở thành phố, chắt bóp chi tiêu với số tiền ít ỏi còn lại.

Ngày lệnh giãn cách được dỡ bỏ, các trường đi học lại, Phương vui mừng khi lại có thể quay lại với công việc. Nhưng khi liên hệ lại với phụ huynh để nhận lớp, Phương không ngờ phải gặp quá nhiều rắc rối.

“Mình không biết có phải người ta cố tình gây khó dễ không. Nhưng mấy lần liền hẹn đến dạy cứ sát giờ phụ huynh lại đổi ý chuyển sang hôm khác. Sau mấy tuần như vậy vẫn không dạy được buổi nào, nghĩa là không nhận được tiền lương, mình quyết định bỏ lớp này vì mất thời gian, mà bản thân đang cần có việc”, 9X kể.

Tuy nhiên, khi báo cáo với trung tâm về vấn đề này, Phương không được giải quyết. Trung tâm nói rằng chuyện của cô với phụ huynh quá lằng nhằng, lần lữa và từ chối trả lại phí. Phương cảm thấy bức xúc vì với nhiều người, 500.000 đồng chỉ là khoản tiền nhỏ nhưng với cô đó là số tiền có thể giúp cô trang trải trong giai đoạn khó khăn này.

Nhắn tin, gọi điện không được, Phương đành chấp nhận mất tiền để dành thời gian đi tìm nơi dạy mới.

“Mình nghĩ đợi sau khi có công việc mới ổn định có thể quay lại giải quyết tiếp. Nhưng hiện giờ điều quan trọng nhất là tìm nơi làm mới, kiếm tiền trả số nợ mình đã vay mượn trong những ngày nghỉ dịch, thất nghiệp vừa qua”.

(Theo Zing)