Theo kế hoạch khẩn về “Phục hồi hoạt động ngành du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 đến năm 2022” mới ban hành, TP sẽ chia lộ trình khôi phục hoạt động du lịch thành 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 1/10 - 31/10): mở hoạt động du lịch nội vùng tại TP (chỉ mở trên địa bàn “vùng xanh”). Khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn 2 (từ 1/11 - 31/12): mở du lịch nội vùng và du lịch liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương (mở chủ yếu tại các địa bàn “vùng xanh”). Khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động các điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Giai đoạn 3 (trong năm 2022): khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

{keywords}
TP.HCM cũng đã tổ chức các tour du lịch khép kín về Cần Giờ, Củ Chi 
{keywords}
Lộ trình dự kiến, người dân TP.HCM sẽ đi du lịch liên tỉnh/thành từ tháng 11/2021 

Trong thời gian tới, Sở Du lịch TP phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Sở kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương.

Về phát triển sản phẩm du lịch, TP nâng chất lượng các điểm đến theo lộ trình kiểm soát dịch bệnh và phát triển các sản phẩm theo hình thức khép kín gắn với các điểm tham quan có không gian rộng và mở như Thảo Cầm Viên (quận 1), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Bảo tàng áo dài, Công viên văn hóa lịch sử Suối Tiên,…

TP cũng công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử Xúc tiến du lịch TP.HCM tại địa chỉ www.visithcmc.vn. Website cho phép người dùng tương tác ảo, khám phá thông tin về các điểm tham quan, sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Đây là nỗ lực tăng cường chuyển đổi số, thực hiện các giải pháp du lịch thông minh, góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến và truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế.

Phó Chủ tịch TP.HCM - bà Phan Thị Thắng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan TP trong các hoạt động của đơn vị mình nhằm chung tay quảng bá TP nói chung và du lịch nói riêng. Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của TP.

Trần Chung

Bước ra khỏi sự sợ hãi: Mong đừng nay mở, mai đóng

Bước ra khỏi sự sợ hãi: Mong đừng nay mở, mai đóng

Du lịch là ngành có tính liên kết cao. Để khôi phục hoạt động du lịch, cần bước ra khỏi sự sợ hãi về dịch Covid-19. Các địa phương sớm mở cửa đón khách ngoại tỉnh và ban hành các tiêu chí thống nhất để đón khách.