Sau 3 tiếng chào hàng trên chợ mạng, chị Hải Thu (Phú Thọ) đã bán hết mẻ hàng tằm lá sắn mà nhà chị vừa nuôi. Giá cho mỗi cân đặc sản này dao động 120.000 - 150.000 đồng. Khách mua đa phần là các quán nhậu, nhà hàng chuyên đồ rừng ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội.

{keywords}
Tằm lá sắn có giá 120.000 - 150.000 đồng/kg

Theo chị Thu, sở dĩ món ăn có tên gọi là tắm lá sắn hay tằm sắn là để phân biệt với loại tằm dâu quen thuộc. Thay vì nuôi để nhả tơ thì tằm lá sắn dùng để làm thực phẩm. Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin như  B1, B2, khoáng chất nên được nhiều người ưa chuộng.

"Nhà tôi đã nuôi tằm lá sắn được 3 năm, chủ yếu là cung cấp cho thị trường phía Bắc. Ở đây, cứ khi nào có lá sắn là khi ấy còn mùa tằm. Do nguồn lá sắn ở quê tôi khá dồi dào, cộng thêm khí hậu ấm áp nên rất thích hợp để phát triển mô hình nuôi tằm bán thịt" - chị kể.

{keywords}
Tằm lá sắn hay còn được gọi là tằm sắn

Tương tự, anh Hải Lâm (Tuyên Quang) cho biết, khách muốn mua tằm lá sắn nhà anh đều phải gọi điện trước 2 tuần. Bởi hầu hết tằm nhà anh đều có mối buôn, quán hàng đặt trước, nên anh chỉ dành ra một lượng nhỏ bán ra cho khách lẻ.

"Gần như là nhà tôi nuôi tằm quanh năm, mỗi lứa kéo dài khoảng 18 - 25 ngày. Giá thịt tằm sẽ phụ thuộc lớn vào thời tiết, như mùa đông có giá khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, mùa hè chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Thông thường, mỗi lứa tôi nuôi khoảng 1- 2 tạ tằm thịt, trừ hết chi phí cũng bỏ túi khoảng 8 - 12 triệu đồng" - anh nói.

Anh Lâm cho biết, tằm lá sắn được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng và có công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, tằm tươi có tính ấm, người hay bị nóng trong, bị nhiệt thì không nên ăn.

Vừa đặt 2kg tằm lá sắn, chị Ngọc Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, để mua được món đặc sản, chị phải cọc tiền, dặn tiểu thương trước 1 tuần. Do tằm thu hoạch theo thời vụ nên không phải lúc nào cũng có sẵn. Hơn nữa, đây là mặt hàng không được bày bán nhiều ở các chợ dân sinh, nên người mua phải tìm đến quán chuyên đồ rừng hoặc chợ mạng.

"Tôi biết đến tằm lá sắn là trong một chuyến công tác ở Phú Thọ. Hồi đầu, mới nhìn qua, tôi còn khiếp vía vì thấy chúng bò lổm ngổm, trông như sâu. Nhưng sau khi chế biến thì ăn thấy khá ngon, bùi và  lạ miệng" - chị kể.

Chị cho biết, tằm rang lá chanh là món ăn khoái khẩu của nhà chị. Để tăng thêm dinh dưỡng, độ thơm ngon, chị thường cho thêm một ít thịt nạc, thái con chì, nhỏ bằng 2 ngón tay vào đảo cùng.

"Tằm sau khi mua về sẽ được tôi rửa sạch, sau đó thả vào nước sôi để chần qua, nhằm loại bỏ bụi bẩn, tránh ngộ độc. Sau đó tôi cho tằm vào chảo để rang, rang tới tới khi tằm cứng lại và chuyển sang màu vàng óng, giòn" - chị Trinh tiết lộ.

{keywords}
Tằm sau khi được sơ chế

Anh Quang Bình (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hàng năm, cứ vào chớm đông là anh lại đi săn lùng tằm lá sắn. Do hàng không có sẵn nên anh thường nhờ người nhà ở quê mua hộ chuyển lên. 

"Thường thì tôi sẽ nhờ người bán sơ chế trước rồi mới chuyển lên. Để tằm lên màu đẹp tươi, vàng óng, khi luộc, tôi sẽ bỏ vào nồi một chút nghệ. Khi tằm chín thì cho thêm lá chanh để dậy mùi" - anh chia sẻ bí kíp.

Tuy nhiên, theo anh Bình, mọi người không nên ăn quá nhiều nhộng tằm vì sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng, chỉ nên ăn 1 - 2 bữa/tháng. Hơn nữa, người có cơ địa hay dị ứng không nên ăn vì trong tằm chứa một số chất dễ gây ngứa, kích ứng, mẩn đỏ.

(Theo Dân Trí)