Như VietNamNet đưa tin, sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xuất khẩu mặt hàng này trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20 theo hướng “Cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu”.

Doanh nghiệp muốn xuất được khẩu trang y tế phải trình một trong các văn bản là Bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế; Bản chính văn bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế, trong đó phải ghi rõ số lượng khẩu trang và thời gian thực hiện cam kết không quá 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận.

{keywords}
Thời gian qua khẩu trang y tế là mặt hàng được quản lý chặt. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là chưa thực sự “thoáng”, khó giúp “tận dụng thời cơ” để xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế khi hiện nay đây là mặt hàng có tính thời điểm rất cao. 

Góp ý cho dự thảo của Bộ Y tế, một đại diện của Bộ Công Thương đánh giá rằng đề xuất của Bộ Y tế còn khá "cứng" do lo sợ không mua được khẩu trang dự trữ.

Trong góp ý gửi Bộ Y tế, Bộ Công Thương cho rằng: Quy định này trên thực tế có thể khó triển khai vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký hợp đồng bán khẩu trang cho cơ sở y tế, chưa kể trường hợp cơ sở y tế không có nhu cầu mua hoặc chỉ có thể mua được số lượng rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc tiến hành đấu thầu hoặc thương lượng để đi đến hợp đồng cũng không thể hoàn tất trong thời gian ngắn.

Do vậy, đề xuất này không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tuy đồng tình việc duy trì chế độ cấp giấy phép, song Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu không hạn chế, nhưng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có cam kết sẵn sàng cung cấp số lượng tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai với Bộ Y tế cho nhu cầu sử dụng trong nước nếu được huy động. Những doanh nghiệp xuất trình được tài liệu chứng minh đã tham gia bán hoặc hỗ trợ khẩu trang cho Bộ Y tế, cơ sở tối thiểu 10% năng lực sản xuất thì được miễn yêu cầu cam kết nói trên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị giao Bộ trưởng Y tế quyết định việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép khi nhu cầu dự trữ đã được đáp ứng hoặc lập lại chế độ cấp giấy phép khi có nhu cầu.

Thực tế, trước khi Thủ tướng có “lệnh” cho phép xuất khẩu trở lại khẩu trang y tế, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về mua sắm khẩu trang, vật tư phòng dịch Covid-19 hôm 10/4, Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi Nghị quyết số 20 ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị: "Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 sau khi bảo đảm ký hợp đồng mua đủ số lượng vật tư y tế, khẩu trang y tế theo phê duyệt của Thủ tướng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch nhưng không chậm quá 15/5. Từ ngày 16/5, bỏ việc quản lý xuất khẩu khẩu trang y tế bằng việc cấp giấy phép".

Theo Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao mua dự trữ 60 triệu chiếc khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã mua sắm "theo hình thức chỉ định thầu" và đã ký hợp đồng mua 46,15 triệu chiếc khẩu trang y tế, 268.000 khẩu trang N95, 234.300 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 1-2... Trong đó, nhiều sản phẩm đã được cấp cho các đơn vị sử dụng, phần còn lại giao theo tiến độ đến 30/5.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường cung cấp khẩu trang y tế, bộ trang phục phòng chống dịch,... đã cơ bản được các doanh nghiệp sản xuất trong nước đáp ứng. Công suất sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải... khả năng đáp ứng yêu cầu khá cao.

Bộ Tài chính cho rằng số lượng khẩu trang, bộ trang phục còn lại cần mua theo kế hoạch là không lớn, số lượng hàng Bộ Y tế đã ký hợp đồng và khả năng nhận hàng cơ bản trong tháng 4/2020. Vì vậy Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch bệnh để thực hiện mua khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn... còn lại của kế hoạch được duyệt thực hiện theo quy định pháp luật đấu thầu. Cụ thể là phương thức chào hàng cạnh tranh với thời gian rút gọn ngắn nhất theo quy định pháp luật.

Lương Bằng

Ra điều kiện 'xuất' khẩu trang y tế, toàn cầu dịch bệnh đừng 'lỡ thời cơ'

Ra điều kiện 'xuất' khẩu trang y tế, toàn cầu dịch bệnh đừng 'lỡ thời cơ'

 Bộ Y tế đang cụ thể hóa chủ trương cho xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế. Nhưng cũng có nhiều khuyến cáo thận trọng để tránh những nảy sinh không đáng có.