UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vừa có báo cáo số 531/BC-UBND về việc xin phép không tổ chức Chương trình khai mạc Lễ hội Na Chi Lăng lần thứ 4 gắn với đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Chi Lăng và Tuần lễ Văn hóa, Du lịch, Thương mại huyện Chi Lăng năm 2020.

Về việc này, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến chỉ đạo, đồng ý không tổ chức chương trình trên theo như đề xuất của UBND huyện Chi Lăng. Theo đó, không tổ chức Chương trình Khai mạc Lễ hội Na Chi Lăng lần thứ 4 gắn với đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Chi Lăng và tuần lễ Văn hóa, Du lịch, Thương mại huyện Chi Lăng năm 2020. 

Đối với các hoạt động có liên quan khác, ông Hồ Tiến Thiệu đề nghị huyện Chi Lăng chủ động xem xét, lựa chọn triển khai hợp lý, bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

{keywords}
 Na Chi Lăng múi dầy, trắng phau; mắt na sẽ nhuộm chút sắc hồng khi chín.

Lễ hội Na Chi Lăng được tổ chức hằng năm nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng ra thị trường trong và ngoài nước; là nơi kết nối giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý; thúc đẩy phong trào trồng na theo quy trình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Ngoài hoạt động giới thiệu na Chi Lăng tại huyện Chi Lăng, mọi năm tỉnh Lạng Sơn còn triển khai tuần lễ quảng bá kết hợp diễn đàn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội.

{keywords}
 Na được chuyển bằng ròng rọc xuống núi

Từ những năm 1990 đến nay, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, sự cộng tác giúp đỡ của các nhà khoa học, các xã vùng núi đá của hai huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng đã phát triển thành công vùng trồng na với tổng diện tích trên 3.000 ha, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, giá trị đem lại gần 1.000 tỷ đồng/năm. 

Riêng huyện Chi Lăng, hiện có khoảng 1.600 ha trồng na, trong đó có khoảng hơn 200 ha đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, tổng sản lượng năm 2019 ước đạt trên 16.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 600 tỷ đồng, đảm bảo đời sống cho khoảng 3.500 hộ dân của 8 xã, thị trấn trên địa bàn.

{keywords}
 Người dân Chi Lăng trèo núi, lội suối hái na

Na Chi Lăng có những đặc trưng riêng biệt như mẫu mã đẹp, mắt to, vị ngọt thanh mát, cùi dầy ít hạt, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Sản phẩm na Chi Lăng có mức giá trên thị trường trung bình khoảng từ 30.000đ/kg đến 50.000đ/1kg, thậm chí có thời điểm lên tới 70.000-80.000 đồng/kg.

Đình Sơn