Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), tại công văn số 2850 ngày 23/8 của UBND TP ghi rõ: đối với các phương tiện vận tải hàng hóa (bao gồm tài xế và 1 phụ xe) đã được Sở GTVT cấp QR Code, sẽ không tiến hành kiểm tra “Giấy đi đường”. Tuy nhiên, thực tế trong ngày 23-24/8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát hỏi giấy đi đường.

HBA kiến nghị, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP và UBND TP.HCM thông báo rõ nội dung trong văn bản trên đến tất cả các lực lượng kiểm soát, kiểm tra trên địa bàn TP.

Cũng theo nội dung Công văn số 2850, đối tượng lưu thông là nhân viên giao hàng cung ứng lương thực thực phẩm, suất ăn công nghiệp,... do UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường (việc cấp giấy vẫn đang bị ách tắc).

{keywords}
Lại một lần nữa, vấn đề giấy đi đường bị rối (Ảnh: Trương Thanh Tùng)

Ngoài ra, đối tượng nhân viên làm việc liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ do Sở Công Thương cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, ngày 22/8, đại diện Sở Công Thương khi trả lời Công ty Intel Products Việt Nam (trong Khu công nghệ cao), rằng chỉ cấp giấy cho nhân viên xuất khẩu nằm trong hệ thống logistics.

Với thực trạng trên, HBA kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP giao cho Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM và Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM được cấp giấy đi đường cho hai đối tượng cần lưu thông nêu trên. Vì hơn ai hết, các Ban Quản lý nắm chắc và nắm rõ về tổ chức nhân sự của các doanh nghiệp trong khu.

“Gần 700 nhà máy/doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” của 18 Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao kiến nghị khẩn thiết tháo gỡ vướng mắc về Giấy đi đường”, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HBA - nêu trong văn bản.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 24/8, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu cần có giấy đi đường cho một số nhân viên thực hiện thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: giao nhận hợp đồng ký kết; nhân viên sửa chửa bảo trì máy móc, thiết bị; nhân viên thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu vận tải, chứng từ vận tải,...

Đây là đối tượng thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” trong Công văn số 2800 ngày 21/8 của UBND TP. Tuy nhiên, Sở Công thương TP chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic chuyên nghiệp).

Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”, Sở Công Thương đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận/huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Trước đó, liên quan đến việc kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND TP.HCM đã có 3 văn (ngày 21/8 có hai văn bản và ngày 23/8 có một văn bản). Ngày 21/8, văn bản quy định đơn vị quản lý, cấp giấy do các Sở, ngành, quận, huyện chủ trì thì ngày 23/8 lại có văn bản khác quy định mẫu giấy mới do lực lượng công an đảm trách cấp.

Quảng Định

Kiểu mới Sài thành: Mua theo túi lớn, không khách hàng, không thu ngân

Kiểu mới Sài thành: Mua theo túi lớn, không khách hàng, không thu ngân

Các phương thức triển khai giao dịch hàng hóa mới đang xuất hiện tại TP.HCM nhằm hỗ trợ tối đa việc phân phối thực phẩm cho người dân, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.