Kết thúc phiên giao dịch 12/7, cổ phiếu Ngân hàng Techcombank (TCB) giảm 5,5% xuống còn 53.500 đồng/cp. So với đỉnh cao 58.000 đồng/cp ghi nhận hôm 5/7, cổ phiếu của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm gần 7,8%.

Như vậy, chỉ sau khoảng 1 tuần, túi tiền của tỷ phú Hồ Hùng Anh đã giảm gần 2.700 tỷ đồng xuống còn gần 31,4 nghìn tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu còn giảm mạnh hơn như VietinBank và VPBank giảm sàn trong phiên 12/7.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua trong bối cảnh chỉ số VN-Index giảm mạnh từ ngưỡng 1.420 điểm về dưới ngưỡng 1.300 điểm trong vòng hơn 1 tuần.

Nhóm 5 cổ phiếu ngân hàng trong top 10 góp phần tạo đà giảm của thị trường là VPB, BID, TCB, VCB và CTG.

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong vài tháng trước đó với tốc độ tăng nhanh hơn khá nhiều so với mặt bằng chung trên thị trường nhờ vào những báo cáo và dự báo lợi nhuận ấn tượng vượt trội.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư gần đây thận trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu này do tốc độ tăng cao và những rủi ro tiềm ẩn khi đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại TP.HCM và vẫn đang lan rộng trên phạm vi cả nước.

Với những khó khăn như hiện nay, khả năng nhóm các ngân hàng đối mặt với nợ xấu gia tăng trong thời gian tới là rõ ràng. Gần đây, trước tình hình dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ và không trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một yếu tố có thể khiến rủi ro không đúng với thực tế và việc lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh cũng chưa hẳn là một bức tranh quá tươi sáng.

Dù vậy, ngân hàng vẫn là nhóm ngành tích cực vượt trội trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn hiện nay.

Trong một thời gian khá dài các ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp trong khi cho vay vẫn ở mức cao.

{keywords}
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021.

Một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu “vua” này trong thời gian tới là yêu cầu hạ lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 12/7, 16 tổ chức tín dụng là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu... trong 5 tháng cuối năm 2021.

16 tổ chức tín dụng hội viên: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank, VPBank, SHB, LienVietPostBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.

Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay trong tháng 7, trong đó có ngân hàng dự kiến giảm tới 250 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay sẽ không được áp dụng đồng loạt mà nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung và các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có nhiều lao động… Các doanh nghiệp được cho là lãi lớn như bất động sản… thì sẽ không được hỗ trợ hoặc hỗ trợ ít.

Với những diễn biến mới, nhiều khả năng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ suy giảm. Nhưng bù lại, nhiều ngân hàng đề nghị NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá mạnh.

Theo SHB, thị trường có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.260-1.300 điểm. Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy một phần nhỏ tỷ trọng quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm trong phiên có thể tiếp tục theo dõi và có thể gia tăng tỷ trọng nếu VN-Index điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.260 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 12/7, chỉ số VN-Index giảm 50,84 điểm (tương đương giảm 3,77%) xuống 1.296,3 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 13,75 điểm (tương đương giảm 4,48%) xuống 292,98 điểm. Upcom-Index giảm 3,19 điểm (-3,67%) xuống 83,89 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 36,9 nghìn tỷ đồng.

V. Hà