Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa công bố sẽ triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona.

Theo đó, Vietcombank sẽ cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các khách hàng, không tính lãi phạt... Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ giảm lãi suất 1-1,5% đối với các khoản vay hiện hữu ngắn hạn và dài hạn bằng đồng VND; giảm 0,5-0,75% đối với các khoản vay trung, dài hạn bằng đồng USD. Riêng một số trường hợp đặc biệt như người trồng dưa hấu, thanh long, chuối,... (những mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc) sẽ được giảm 3%/năm.

Thời gian áp dụng việc giảm lãi suất, cơ cấu nợ, không tính lãi phạt... từ 11/2 đến 30/4/2020.

Một ngân hàng khác là KienLongBank cũng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng nhiều loại hoa quả chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian áp dụng từ ngày 1/2 đến 30/4.

Động thái này của các nhà băng là thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

{keywords}
Các ngân hàng bắt đầu đưa ra biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bênh do virus corona gây nên.

Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt cam kết ưu đãi lãi suất, cho vay mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của nCoV

Theo lãnh đạo NHNN, đây là cơ hội để NHTM chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng và là lúc thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân.

Hôm 4/2, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV (dịch nCoV). Sau đó, ngày 6/2, NHNN đã họp với các NHTM để triển khai các giải pháp cụ thể như phối hợp tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hệ thống ngân hàng cũng đã hoạt động tốt trong thời gian qua, không vì dịch bệnh mà gián đoạn hoạt động, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch.

Tại Vietcombank, dư nợ của các khoản vay đối với các khách hàng thuộc diện hỗ trợ nói trên khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, Vietcombank sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng.

Hồi giữa tháng 11/2019, Vietcombank cũng có quyết định bất ngờ, giảm lãi suất 0,5% lãi suất đối với tất cả các doanh nghiệp (không chỉ bao gồm 5 lĩnh vực ưu tiên như trước đây) bắt đầu từ ngày 01/11/2019. Dư nợ của tổ chức này đối với các doanh nghiệp lên tới khoảng 320 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,7 tỷ USD).

Quyết định này đe dọa tham vọng lãi tỷ USD của ngân hàng. Nhưng rốt cuộc, Vietcombank vẫn trở thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ghi nhận mức lãi kỷ lục này.

Theo đại diện một số ngân hàng, có khoảng trên 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus Corona, trong đó có trên 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài.

Nhiều ngân hàng như Vietinbank, Eximbank, Agribank, LienVietPostBank, KienLongBank,... đều có những đánh giá và sẽ có các biện pháp cụ thể đối với nhóm ngành lĩnh vực ảnh hưởng do dịch nCoV.

Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó mà nhiều doanh nghiệp bị đứt nguồn cung từ Trung Quốc, nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc cũng đang lao đao: sản xuất đình đình trệ, phải cắt giảm công nhân... do ách tắc tại cửa khẩu và hàng không ngừng bay.

Riêng ngành du lịch, thiệt hại được ước tính cũng lên tới nhiều tỷ USD trong vài tháng tới do lượng khách Trung Quốc (vốn chiếm khoảng 30% lượng khách quốc tế tới Việt Nam) tụt giảm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 11/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ trở lại sau phiên giảm khá mạnh hôm qua. Giới đầu tư tiếp tục thận trọng và đánh giá những thiệt hại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải do bị gián đoạn với Trung Quốc.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo SHS, thị trường hiện đã rơi về vùng tích lũy trong tuần trước trong khoảng 920-940 điểm và có thể sẽ tiếp tục giao dịch với biên độ này trong một vài phiên tới trước khi bứt phá khỏi vùng này trước các tin tức mới. VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái giằng co và tích lũy trong khoảng 920-940 điểm nhằm ổn định mặt bằng giá mới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, VN-Index giảm 10,02 điểm xuống 930,73 điểm; HNX-Index giảm 0,94 điểm xuống 103,97 điểm. Upcom-Index giảm 0,39 điểm xuống 55,37 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 3,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà