Bên vay đã hưởng lãi suất ưu đãi 

Anh N.N.P. (Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, đầu năm 2020, anh vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng (NH) Quốc tế Việt Nam (VIB) để mua ô tô chạy dịch vụ GrabCar. Tuy nhiên, do dịch bệnh, xe chỉ hoạt động được vài tháng rồi “trùm mền”. Vợ chồng anh thất nghiệp và mắc kẹt ở quê từ đầu tháng 5/2021 đến nay. Anh P. kể: “Tôi có liên hệ NH để xin cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong vài tháng nhưng NH cho rằng, trong hai năm đầu, tôi đã được hưởng lãi suất (LS) ưu đãi 5%/năm, sau đó là LS 10%/năm, vẫn thấp hơn so với mức chung (11 - 12,5%/năm) nên không thuộc diện được cơ cấu lại nợ”. 

Anh N.V.L. (Q.Bình Thạnh, TPHCM) thì vay bốn khoản tiền ở ba NH khác nhau để mua bốn ô tô chở hàng, chở khách. Trong đó, có hai khoản vay 700 triệu đồng/khoản với LS 12,5%/năm, hai khoản vay khoảng 1,5 tỷ đồng với LS 9,5%/năm và 11,5%/năm. Tiền trả nợ vay NH mỗi tháng đều nhờ hoạt động của những chiếc xe này. Tuy nhiên, những tháng qua, số xe trên đều nằm im trong bãi. Không còn tiền, anh L. liên hệ các NH xin cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng nhận được phản hồi “không nằm trong diện được hỗ trợ”. Một NH hỗ trợ bằng hình thức mở cho anh hai thẻ tín dụng, mỗi thẻ hạn mức cho vay 50 triệu đồng với LS thấp để trang trải, chi tiêu. 

{keywords}
Nhiều khách hàng vay ngân hàng mua xe không được cơ cấu lại nợ do không đủ điều kiện theo quy định - Ảnh: T.Hoa

Chị N.B.T. (Q.8, TPHCM) cũng vay 500 triệu đồng tại NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với LS 10,5%/năm để mua xe. Hiện vợ chồng chị đều thất nghiệp và đang gánh hai khoản vay với mức đóng hằng tháng gần 25 triệu đồng. Chị T. liên hệ NH xin cơ cấu nợ nhưng NH trả lời là đã giảm lãi vay 0,5%/năm rồi. Theo chị T., chị cần cơ cấu lại nợ vài tháng để bớt gánh nặng trả nợ vay hơn là được giảm LS. 

Người vay phải hội đủ tám điều kiện 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB) - giải thích không phải ai đang có khoản vay tại NH cũng được cơ cấu lại nợ, giảm lãi. Theo quy định tại Thông tư 14/TT-NHNN vừa mới ban hành, có tám điều kiện để người vay được cơ cấu lại nợ và các NH phải tuân thủ quy định này. 

Cụ thể, ngoài hai điều kiện là có các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi trong thời hạn từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, bên vay còn phải thuộc một trong các trường hợp sau: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Tiếp đến là các điều kiện như được tổ chức tín dụng đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn, thu nhập bị giảm sút do dịch COVID-19; khách có đề nghị cơ cấu nợ và được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại...

“Khách phải đáp ứng đủ tám điều kiện chứ không phải một trong tám điều kiện. Chỉ cần đúng đối tượng và đủ điều kiện, các NH sẽ cơ cấu lại nợ cho khách ngay, bởi sau khi cơ cấu, khách hàng vẫn phải trả nợ đầy đủ cho NH” - ông Nguyễn Đình Tùng nói. 

Đại diện NH An Bình (ABBANK) cho hay, NH chủ động rà soát khách hàng vay, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, sẽ tự động gửi thông báo cho khách qua email và khách có thể bổ sung hồ sơ sau khi TP.HCM hết giãn cách xã hội. Theo Thông tư 14/TT-NHNN, các khoản nợ được cơ cấu là các khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 1/8/2021, thời gian cơ cấu là trong 12 tháng. Như vậy, những khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 sẽ không được cơ cấu lại. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam - cho rằng Thông tư 14 giúp các NH triển khai thuận lợi các giải pháp cơ cấu lại nợ, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn, nhưng thời hạn được cơ cấu lại nợ kéo dài tối đa đến tháng 6/2022 là hơi ngắn.

Thời gian cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ vẫn không vượt quá 12 tháng cũng gây áp lực trả nợ cho khách hàng. Ví dụ, một khách hàng được cơ cấu nợ ba tháng thì số nợ cũ này được cộng dồn với số nợ mới trong chín tháng còn lại, nếu khách hàng vẫn chưa đủ điều kiện để trả thì có thể gia tăng nợ xấu. 

Còn theo chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu, việc chọn mốc phát sinh khoản vay trước ngày 1/8/2021 mới được hỗ trợ là không hợp lý. Dịch bệnh vẫn kéo dài và chưa biết khi nào kiểm soát được và nếu kiểm soát được, doanh nghiệp cũng cần thời gian dài để phục hồi. Với quy định này, các khoản vay phát sinh sau ngày 1/8 sẽ không được hỗ trợ, trong khi nhu cầu vay vốn mới để tái sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp tăng cao. 

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Việt Nam - cho biết NH Nhà nước xác định rằng, nếu dịch được kiểm soát trong tháng Chín, nền kinh tế phục hồi thì Thông tư 14 đã đủ để xử lý khó khăn của doanh nghiệp một cách cơ bản, phù hợp. Ngược lại, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì chính sách giãn nợ, giảm lãi sẽ tiếp tục được cập nhật cụ thể. 

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng trong đại dịch: Kịp thời và thực chất

Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng trong đại dịch: Kịp thời và thực chất

Hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ đã được Agribank triển khai miễn, giảm lãi vay hỗ trợ 3,2 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.