Nhiều DN đang băn khoăn về đề xuất của Bộ Tài chính: yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới, khi phải giao dịch qua cổng thanh toán quốc gia nhằm chống thất thu thuế.

Tất cả phải qua “một cổng”

Để tăng cường quản lý với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu ngân sách, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Theo đó, dự Luật yêu cầu các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để chống thất thu thuế.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới, phải thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia (Công ty CP Thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.

Cùng với đó, các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp TMĐT có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên số tiền nộp vào ngân sách từ hoạt động này lại không đáng kể.

Dự Luật cũng đề xuất Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook, Apple,...) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Cơ quan quản lý cần phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ internet (VDC, FPT, MobiFone, Vinaphone, Viettel,...) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch TMĐT, về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tổng cục Thuế, việc thông qua cổng thanh toán quốc gia sẽ giúp chống thất thu thuế. Mọi giao dịch qua đây, cơ quan thuế sẽ nắm được, như vậy không phải yêu cầu các ngân hàng thực hiện sao kê số liệu hàng ngày, rất bất tiện và ảnh hưởng đến hoạt động, đến yêu cầu bảo mật. Đây là phương thức mà một số nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc,... đã thực hiện.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong khi hoạt động TMĐT ngày càng nở rộ, các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia như Google, Facebook,... thu lợi khủng từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thì các quy định về quản lý thuế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp TMĐT có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên số tiền nộp vào ngân sách từ hoạt động này lại không đáng kể.

Bà Đặng Bình An, Công ty TNHH Tư vấn Thuế C&A, cho biết, hoạt động của các DN ngày càng mở rộng, các giao dịch xuyên quốc gia ngày càng nhiều. Nếu không quản lý được, thất thu thuế sẽ rất lớn và không tạo ra sự công bằng cho các DN. Vì vậy, cần có các giải pháp để quản lý thu thế TMĐT có hiệu quả. Việc thông qua cổng thanh toán quốc gia là một giải pháp để quản lý thuế.

Nhiều lo ngại

Tuy nhiên, các DN lại đang băn khoăn về đề xuất này. Ông Vũ Tú Thành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, cho biết, nhiều DN gửi ý kiến thể hiện sự băn khoăn về đề xuất này của Bộ Tài chính.

Cụ thể, việc thực hiện giao dịch qua cổng thanh toán quốc gia cần được xem xét trong các mối quan hệ với các giá trị khác.

Thứ nhất là vấn đề an ninh. Nếu tất cả các giao dịch đều thông qua một cổng thanh toán, mà bị tin tặc tấn công, đánh sập thì mọi hoạt động sẽ như thế nào và Ngân hàng đã có giải pháp nào để ứng cứu, tránh gây thiệt hại cho các DN?

Cùng với đó, khi qua một cổng thanh toán duy nhất, giống như chảy qua một cái phễu, thì tốc độ đường truyền có đáp ứng đủ, công nghệ ra sao để đảm bảo thông thoáng, không bị tắc nghẽn?

Vấn đề khác, nếu chỉ qua một cổng thanh toán, sẽ không có sự cạnh tranh về dịch vụ và chi phí có thể sẽ tăng, khiến các DN bức xúc, bởi không có sự lựa chọn nào khác.

Một số DN còn băn khoăn, nếu chỉ có mỗi phương thức thanh toán này, khi có người sáng tạo ra phương thức thanh toán mới, như vậy có được tự do áp dụng, hay vẫn theo khuôn mẫu cũ? Kinh nghiệm cho thấy, việc ấn định giao dịch qua cổng thanh toán quốc gia, thường khó khuyến khích sự sáng tạo, phát triển những phương thức thanh toán mới. Như vậy cái giá phải trả cho chống thất thu thuế sẽ như thế nào? Cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể, ông Thành phản ánh.

Việc yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ Internet viễn thông, cung cấp dữ liệu khách hàng cho cơ quan thuế cũng có nhiều DN băn khoăn. Đại diện các DN cho rằng thường chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia họ mới phải cung cấp. Việc cung cấp cho cơ quan thuế có ảnh hưởng đến quyền bảo mật của họ?

Ngoài ra, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chia sẻ số liệu giao dịch với nhau, theo các DN, cũng không được. Các DN đang cạnh tranh với nhau nên không ai lại đi chia sẻ dữ liệu của mình.

Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập và có các cam kết không đánh thế trùng lắp, vì vậy, cần giải quyết vấn đề này cho rõ ràng, tránh gây lo ngại cho các DN tham gia TMĐT.

Theo ông Thành, Việt Nam đang có cơ hội lớn bắt kịp các nước trong việc thiết kế lại mô hình quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Nền kinh tế mới đang đặt tất cả các quốc gia về vạch xuất phát, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để thiết kế một mô hình quản lý kinh tế bắt kịp tương lai. Vì vậy, cần hướng tới việc xây dựng những chính sách với tầm nhìn sâu rộng, tạo thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo của các DN.

Trần Thủy