Hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh thuộc Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa đưa ra thông báo về việc thu đổi tivi nhãn hiệu Asanzo trên toàn hệ thống sau vụ lùm xùm thương hiệu này nhập toàn bộ sản phẩm Trung Quốc nhưng gắn nhãn “Made in Vietnam”.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ 27/6 đến 15/7/2019, Điện Máy Xanh áp dụng chương trình đổi tất cả các sản phẩm tivi, loa kéo Asanzo khách hàng mua mới tại Điện Máy Xanh và còn thời hạn bảo hành.

Đây là sự cố thứ 2 trong vòng khoảng 1 tháng qua mà CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài phải đối mặt trong liên quan tới các sản phẩm hệ thống này nhập và bán trong vài năm gần đây. Trước đó là “quả bom hẹn giờ” Huawei.

Động thái ông Donald Trump đồng ý cho các doanh nghiệp của Mỹ bán các sản phẩm phức tạp và có tính khoa học cao cho Huawei của Trung Quốc giúp hãng công nghệ số 1 của Trung Quốc thoát “án tử”. Tuy nhiên, ông Trump chưa đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài "có khả năng làm tổn hại an ninh quốc gia Mỹ".

Những động thái cứng rắn trước đó của ông Trump khiến các sản phẩm của Huawei rơi vào tình cảnh khó bán. Nó khiến nhiều đại gia Việt, trong đó có MWG của ông Nguyễn Đức Tài ôm những quả bom cả trăm tỷ chưa có phương hướng giải quyết. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Tài.

Ở kịch bản xấu nhất, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài có thể phải trích lập dự phòng tối đa cho lô hàng smartphone Huawei ước lên tới 110 tỷ đồng. Hiện các Thế Giới Di Động vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục bán các sản phẩm của Huawei trong tương lai sau sự kiện một loạt các ông lớn công nghệ Mỹ tuyên bố và có kế hoạch ngừng hượp tác với Huawei.

Hồi cuối 2018, đại gia Nguyễn Đức Tài cũng đã “ngậm ngùi” đóng cửa VuiVui.com, dừng cuộc chơi thương mại điện tử vốn là một chiến trường "đốt tiền" vô cùng khốc liệt cho dù trước đó ông Tài từng tuyên bố mảng này sẽ vượt cả TGDĐ và Điện Máy Xanh.

Hồi tháng 11/2018, Thế Giới Di Động cũng dính một vụ tai tiếng liên quan tới việc hacker tuyên bố nắm trong tay thông tin của hơn 5 triệu khách hàng của tập đoàn bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài. Những thông tin bị rò rỉ được  cho là bao gồm địa chỉ email, lịch sử giao dịch và thậm chí là cả số thẻ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng MWG có hoạt động kinh doanh vẫn khá ấn tượng. Cổ phiếu này tăng 8 trong 10 phiên gần đây và có giá lên sát đỉnh cao lịch sử ghi nhận hồi tháng 10/2018. Cổ phiếu MWG hiện ở mức 92.800 đồng/cp, thấp hơn chút ít so với đỉnh 96.000 đồng/cp.

Theo báo cáo tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2019, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần tăng 15% so với cùng kỳ lên gần 42,8 ngàn tỷ đồng (gân 2 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế tăng 39% lên gần 1,8 ngàn tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cac cổ phiếu blue-chips đồng loạt tăng trở lại, trong đó có nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng, nhóm bán lẻ, nhóm thực phẩm và ngân hàng. Các cổ phiếu tăng nổi bật bao gồm: Vingroup, Vinhomes, Thế Giới Di Động, VietJet, Masan, Vietcombank, Eximbank, HDBank…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo CTCK Rồng Việt, dễn biến cuối ngày của quý II có sự bất ngờ về điểm số, tuy nhiên xu hướng của TTCK vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực trong tương lai gần. Nhà đầu tư cần theo dõi thêm diễn biến trong những ngày đầu tuần sau để có chiến lược giải ngân phù hợp.

Theo BVSC, thị trường có thể sẽ quay đầu giảm điểm và lùi về thử thách vùng kháng cự 935-940 điểm một lần nữa, trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về hướng đi tiếp theo của chỉ số trong thời gian tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6, VN-Index tăng 6,83 điểm xuống 949,94 điểm; HNX-Index tăng 0,55 điểm lên 103,51 điểm và Upcom-Index tăng 0,54 điểm lên 55,65 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.

V. Minh