Trong thời đại “cá nhanh nuốt cá chậm”, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu cùng với cách tiếp cận NH kết hợp - composable banking được xem là chiến lược giúp các NH làm chủ cuộc chơi.

Đứng trước “biển mới”

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2021 giao dịch qua các kênh Internet, điện thoại di động và QR code đều đạt mức tăng trưởng trên 65% về số lượng và trên 31% giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đó cho thấy, lợi thế công nghệ, sự phổ biến của điện thoại thông minh cộng thêm “chất xúc tác” Covid-19 đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z (gọi chung là MillennialZ) chiếm tới 47% dân số Việt Nam.

Nắm bắt xu hướng này, các NH đã nhanh chóng chuyển dần một số dịch vụ lên kênh số. Một số NH đã áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để thực hiện mở tài khoản cho khách hàng online chỉ trong vài phút. Phương thức này sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi khi thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, cho phép tất cả các NH chính thức được áp dụng để mở tài khoản từ xa cho khách hàng.

{keywords}
 

Không chỉ mở tài khoản, việc mở thẻ tín dụng, vay tiền, tiết kiệm, mua sắm trong hệ sinh thái… cũng đang nhanh chóng được thực hiện trực tuyến. Các NH tiên phong phải kể đến NH số Timo với việc đăng ký cấp thẻ Visa qua hình thức online. Hay VPBank cho ra mắt dịch vụ giải ngân trực tuyến chỉ trong vài giờ, dành cho DNNVV, mà không cần phải đến phòng giao dịch của NH.

Việc online hóa giúp cho các NH tiếp cận được với tệp khách hàng mới trở nên dễ dàng và thuận tiện. Đồng thời, cho phép NH tham gia vào các loại hình kinh doanh phi NH, cạnh tranh được với các Fintech và Big Tech. Ra đời đầu năm nay, NH số Cake kết hợp với Be Group, đã tận dụng được tối đa công nghệ, hệ sinh thái số và năng lực phân tích dữ liệu của nền tảng này, hướng đến khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích hành vi khách hàng, để cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp.

Trước đó, NH số TNEX ra mắt sản phẩm “Khám phá hàng quán đường phố”. Đây là hệ sinh thái nhà bán hàng “nhúng” trong ngân hàng. Sản phẩm này là một mũi tên trúng 2 đích, khi cùng tiếp cận được đối tượng là giới trẻ và các cửa hàng nhỏ, giúp họ có khả năng sử dụng dịch vụ NH, đồng thời tạo thêm cơ hội kinh doanh, thanh toán, tiêu dùng ngay trong hệ sinh thái.

Có thể thấy sự chuyển mình của các NH trong thời gian qua để thích ứng dần với hành vi tiêu dùng thực sự đã mang lại một diện mạo rất khác cho NH trong thời đại mới. 

Giải pháp để thành “cá nhanh”

Để triển khai được những sản phẩm, dịch vụ trên và không muốn thành “cá chậm”, bị “nuốt” bởi các Big Tech hay Fintech, các NH cần sẵn sàng và nhanh chóng thay đổi.

{keywords}
 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 đã nêu rõ ngành tài chính ngân hàng là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan đến cuộc sống hàng ngày cần được ưu tiên chuyển đổi.

Cụ thể hơn, Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/05/2021 của NHNN, nêu rõ mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có ít nhất 50% và đến năm 2030 có ít nhất 70% việc giải ngân, cho vay của ngân hàng, công ty tài chính với khách hàng cá nhân vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng được thực hiện số hoá, tự động. Để đạt chỉ tiêu này, việc số hóa phải được gia tăng và thúc đẩy các NH trong những năm tới.

NH cần thay đổi kiến trúc nguyên khối (monolith và modular). Đây là hai giải pháp truyền thống khiến NH cồng kềnh, không linh hoạt và tốn kém trong việc duy trì, nâng cấp, nguyên nhân thời gian một sản phẩm mới của NH đưa ra thị trường kéo dài hàng năm.

Trong khi chuyển đổi số, cách tiếp cận kiểu NH kết hợp - composable banking sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ điện toán đám mây tạo ra các sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm và thời gian đưa sản phẩm ra thị trường chỉ trong vài tuần.

Mới đây, một loại tài khoản thanh toán đặc biệt với tên gọi Super Saver cho mức lãi suất là 3,6%/năm, gấp 18 lần lãi suất của tài khoản thanh toán thông thường (2%/ năm) được “soạn” ra theo nhu cầu là minh chứng cho dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm. Loại hình này phục vụ đối tượng có dòng tiền ra vào liên tục và không muốn gửi tiết kiệm, nhưng vẫn nhận tiền lãi tối đa. Chỉ có sự linh hoạt và tốc độ của công nghệ số mới cho phép một NH mới ra đời cung cấp được dịch vụ độc đáo nhanh như vậy.   

Số hóa giúp các NH tiếp cận ngay lượng khách hàng mới, nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. NH số TNEX đã tạo ra và cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chi phí thấp hơn các NH truyền thống tới gần 97%. Đây chính là nguồn lực để NH dễ dàng miễn 100% các loại phí như: mở tài khoản, quản lí tài khoản và các loại dịch vụ… cho khách hàng. Trên thực tế, các NH số TNEX, Timo, Cake... đều miễn phí trọn đời các khoản phí trên.

Trong thời đại số, NH số là tương lai và NH tương lai là NH số. Việc áp dụng công nghệ 4.0 với các tiếp cận của NH kết hợp - composable banking sẽ giúp NH trở nên linh hoạt và tốc độ. Chỉ như vậy, NH mới có thể tồn tại và phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam.

Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Chuyển đổi số ngân hàng, cuộc đua ‘máu lửa’ nghìn tỷ

Chuyển đổi số ngân hàng, cuộc đua ‘máu lửa’ nghìn tỷ

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực dài hạn đến nền kinh tế và khiến hoạt động ngân hàng đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh ‘bình thường mới’, chuyển đổi và xây dựng ngân hàng số là cơ hội để vượt qua thách thức.