Danh sách 93 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa đến hết năm 2020 tại Quyết định số 26/2019 điểm tên hàng loạt “ông lớn” trong các lĩnh vực kinh doanh.

Đáng chú ý, danh sách này điểm tên 3 doanh nghiệp lĩnh vực lưu trú, du lịch nắm trong tay hàng loạt khách sạn 5 sao tại các thành phố lớn gồm Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), và Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group).

Nhiều khách sạn 5 sao nổi tiếng trong tay Hanoitourist

Theo quyết định trên, Hanoitourist cùng với 26 doanh nghiệp khác nằm trong diện phải cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, thậm chí không sở hữu bất kỳ cổ phần nào.

Hanoitourist hiện là một trong những công ty nắm giữ nhiều khách sạn hạng sang bậc nhất thủ đô Hà Nội.

Theo đó, trong số hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội hiện nay, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối 5 khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất gồm: Sofitel Legend Metropole Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 2-4 sao như Khách sạn Hà Nội, Hilton Garden Inn, Thăng Long Opera, Hòa Bình, Thăng Long Espana…

{keywords}
Hanoitourist đang nắm giữ 50% vốn và lợi ích tại Khách sạn Metropole Hà Nội. Ảnh: Metropole.

Trong năm gần nhất (2018), Hanoitourist (bao gồm 1 liên doanh với nước ngoài có vốn góp của tổng công ty) ghi nhận 1.856 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với năm 2017 và thu về khoản lợi nhuận 569 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty, 6 tháng đầu năm nay, công suất phòng bình quân các khách sạn diễn ra khả quan với Khách sạn Hòa Bình đạt 65%, Thăng Long Opera và Thăng Long Espana đạt tỷ lệ 71%, Sofitel Legend Metropole đạt 72,6%, hay De L’Opera Hanoi đạt 84,4%...

Trong những khách sạn mà Hanoitourist đang sở hữu, Metropole là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội (từ năm 1901). Hiện Metropole cũng là liên doanh hoạt động hiệu quả nhất của Hanoitourist, trong đó công ty nắm giữ 50% vốn và lợi ích, tương đương khoản đầu tư 203 tỷ đồng.

Trong năm 2018, riêng Metropole đã mang về 80 tỷ lợi nhuận cho Hanoitourist trong tổng số 118 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ công ty liên kết.

Không công bố kết quả kinh doanh thường xuyên, nhưng trong giai đoạn 2011-2014, doanh thu bình quân của khách sạn này đã đạt trên 35 triệu USD và lợi nhuận xấp xỉ 10 triệu USD.

Ngoài ra, Hanoitourist hiện cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 46% vốn tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (chủ sở hữu Công viên nước Hồ Tây). Năm 2018, công viên này ghi nhận 150 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 6 tỷ đồng lãi sau thuế.

Hanoitourist còn là chủ sở hữu của tòa nhà văn phòng Hanoitourist, Hanoi Toserco; Trung tâm thương mại BigC Thăng Long…

Saigontourist sở hữu 42 khách sạn 3-5 sao

Saigontourist nằm trong nhóm cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối trên 50% đến dưới 65% vốn doanh nghiệp.

Công ty này hiện sở hữu và quản lý tổng cộng 42 khách sạn từ 3 đến 5 sao, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam. Trong đó có 7 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao gồm Khách sạn Rex Sài Gòn, Majestic, Grand Saigon, Caravelle, New World, Sheraton Saigon, Pullman Saigon và Majestic - Móng Cái.

Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại khu vực miền Nam như Continental Saigon, Kim Đô, Oscar, Đệ Nhất, Liberty Saigon Center… hiện cũng đều có vốn góp của Saigontourist.

{keywords}
 

Thông qua công ty con - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, Saigontourist hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại Công viên nước Đầm Sen, một trong những công viên có doanh thu và lợi nhuận cao nhất cả nước.

Năm 2018, công viên này ghi nhận 217 tỷ đồng doanh thu và gần 96 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Ngoài ra, Saigontourist còn nắm trong tay 4 công ty lữ hành gồm Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist; Công ty Cổ phần Du lịch Tân Định; Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Phú Thọ; 2 sân tập golf tại TP.HCM và nhiều câu lạc bộ casino, trò chơi có thưởng…

Năm 2018, Saigontourist ghi nhận 6.651 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 7% so với năm trước đó và mang về 983 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15%.

Tính đến cuối năm 2018, Saigontourist có tổng tài sản đạt 11.903 tỷ đồng với vốn điều lệ 7.018 tỷ và 2.016 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 3.639 tỷ đồng, mang về cổ tức và lợi nhuận được chia tổng cộng 449 tỷ cùng năm.

Benthanh Group sở hữu 25 khách sạn và resort

Cùng thuộc diện cổ phần hóa với Saigontourist, Benthanh Group hiện cũng nắm trong tay nhiều khách sạn hạng sang và các khu du lịch lớn.

Trong hoạt động kinh doanh của mình, dịch vụ du lịch là ngành chủ lực của Benthanh Group với 25 khách sạn và resort được quản lý bởi các tập đoàn lớn như Accor, Marriott, Norfolk Group, Centara.

{keywords}
 

Trong lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp lớn nhất mà Benthanh Group nắm giữ 41% vốn là Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn – Savico. Đây là nhà phân phối ôtô lớn nhất tại Việt Nam, chiếm hơn 10% thị phần, tập trung chủ yếu là các thương hiệu Toyota, Ford, Hyundai, Honda, Volvo, Mitsubishi…

Trong năm gần nhất (2018), Savico đạt 14.882 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế đạt hơn 300 tỷ đồng.

Về hoạt động của công ty mẹ Benthanh Group, năm 2018, công ty này ghi nhận 385 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 62% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 38%, đạt 175 tỷ đồng.

Nửa năm vừa qua, công ty mẹ này cũng đạt 54 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 46 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, công ty mẹ - Benthanh Group có 3.212 tỷ đồngtổng tài sản, vốn góp của chủ sở hữu đạt 1.936 tỷ. Tổng giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết hiện cũng đạt 1.265 tỷ đồng, và mang về hơn 31 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia sau 6 tháng.

(Theo Zing)