- Một ngày đẹp trời, Samsung, Intel... bỗng dưng té ngửa khi hàng hoá xuất nhập khẩu của mình bị phân vào luồng đỏ - cấp độ phải kiểm tra thực tế từ 10-100% hàng hoá khi thông quan. Đó chỉ là 1 trong muôn vàn tình huống khóc dở mếu dở của doanh nghiệp kể từ khi bắt buộc tham gia hải quan điện tử.

Nhiều rắc rối thuộc lỗi kỹ thuật

Hệ thống thông quan điện tử VNACCS đã được Tổng cục Hải quan vận hành kể từ tháng 4/2014. Đây là một trong những điều kiện hạ tầng cần thiết để Việt Nam hoàn thành cơ chế một cửa quốc gia và tiến tới cơ chế một cửa ASEAN, khi tới đây, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.

Tuy nhiên, sau 18 tháng, nhiều doanh nghiệp đã gặp phải những tình huống dở khóc dở cười và đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng chỉ vì... lỗi kỹ thuật.

Ông Hồ Quang Hưng, phụ trách xuất nhập khẩu, Công ty Đóng tàu Hạ Long chia sẻ: "Có những lô hàng nhập khẩu của chúng tôi lên tới 2.000 mặt hàng các loại, chủ yếu là nguyên vật liệu cho chế tạo đóng tàu biển. Thế nhưng, trong hệ thống thông quan điện tử lại giới hạn chỉ có 50 dòng hàng, rất bất cập cho doanh nghiệp khai báo".

"Trong quá trình khai báo, chúng tôi vẫn phải mất quá nhiều thời gian cho một nhánh hàng như gắn danh sách container, mã vạch, trong khi thông qua điện tử đáng ra phải rút ngắn thời gian hơn nhiều so với khi làm thủ công", ông Hưng cho biết.

{keywords}

Nhiều doanh nghiệp đã gặp phải những tình huống dở khóc dở cười và đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng chỉ vì... lỗi kỹ thuật.

Một đại diện khác đến từ Công ty Vệ tinh của Samsung than phiền: "Nhiều khi, chúng tôi đã nộp thuế rồi mà hệ thống hải quan điện tử vẫn thông báo là nợ thuế. Rốt cục, chúng tôi vì bị treo thuế trên hệ thống, không thể chuyển tờ khai ân hạn thuế được".

"Đến khi báo trực tiếp với cán bộ hải quan, cũng phải mất 1 ngày mới xử lý được", vị này giãi bày.

Một cán bộ khác của Công ty Microsofl Mobile Việt Nam lại bức xúc: "Có thời điểm, hệ thống thông quan điện tử không hoạt động được với thông báo bảo trì, mất nguyên cả một ngày làm việc mà không hề thông báo cho doanh nghiệp biết".

"Hôm 15/6, Công ty Brother cùng Intel, Samsung, Công nghiệp hoá dầu Việt Nam... bỗng dưng bị phân vào luồng đỏ. Trong khi, chúng tôi đều là doanh nghiệp ưu tiên, phải được phân luồng xanh. Liên lạc với cán bộ hải quan thì được biết là do bộ phận IT đang update một số modun... Cuối cùng, một số tờ khai luồng đỏ đành phải nhờ cán bộ hải quan địa phương để xử lý", đại diện Công ty CP công nghiệp hoá dầu Việt Nam "tố".

Trong khi đó, khi phân luồng xanh, doanh nghiệp được miễn kiểm tra hàng hoá, còn nếu vào luồng đỏ, hàng hoá sẽ bị "đình" lại để kiểm tra thực tế ít nhất 10% hoặc 100% nhằm phóng tránh rủi ro gian lận.

Đó cũng là lý do mà hệ thống thông quan điện tử này tuy được đánh giá đa phần là tích cực nhưng vẫn có tới 38% doanh nghiệp không hài lòng.

Hải quan cũng khốn khổ vì lo kiểm soát rủi ro

Chia sẻ trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát sau thông quan, Tổng cục Hải quan, cho biết, đa phần là lỗi do... phần mềm hệ thống.

{keywords}

Không chỉ phía doanh nghiệp, hải quan cũng gặp nhiều rủi ro ở khâu nộp thuế.

Chẳng hạn như tình huống, doanh nghiệp nộp thuế rồi nhưng vẫn bị coi là nợ thuế là bởi, phần mềm hệ thống cập nhật danh sách nợ thuế, cưỡng chế thuế lại chỉ update thông tin kể từ sau 12h đêm. Vì vậy, mặc dù doanh nghiệp đã nộp thuế trong ngày nhưng phải qua thời điểm này, doanh nghiệp mới được ghi nhận lên hệ thống.

"Việc này đã làm chậm trễ mở các tờ khai của doanh nghiệp", ông Tuấn thừa nhận.

Tuy nhiên, không chỉ phía DN, hải quan cũng gặp nhiều rủi ro ở khâu nộp thuế.

Ông Thành, Cục Công nghệ thông tin, Tổng Cục Hải quan, chia sẻ: "Có doanh nghiệp mang chứng từ giấy đến, mặc dù chưa thấy chứng từ thanh toán điện tử trên hệ thống nhưng vẫn được hải quan cho thông quan. Thế nhưng sau đó, thì vì lý do nào đó, phía ngân hàng lại hoàn trả lại khoản thuế cho doanh nghiệp mà không chuyển vào ngân sách. Rốt cục, doanh nghiệp đó đút túi khoản thuế bởi hàng của họ đã xong thủ tục rồi. Đó là một khoản 600 triệu đồng mà mất 6 tháng này, chúng tôi vẫn chưa đòi được".

"Số tiền nộp thuế lên tới 2-3 tỷ đồng mà nếu yêu cầu cơ quan hải quan thông quan ngày khi chưa có thanh toán điện tử thì rất khó. Hải quan không làm thì doanh nghiệp phản ứng, mà làm thì hải quan không yên tâm", ông Thành giãi bày.

Riêng về tình huống doanh nghiệp ưu tiên bỗng bị phân vào luồng đỏ, ông Âu Anh Tuấn cho biết, đó là lỗi sự cố hệ thống và đã được khắc phục ngay sau đó.

Hệ thống thông quan điện tử VNACCS được xây dựng hỗ trợ bằng vốn ODA của Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, có tổng mức đầu tư 35 triệu USD. Ông Tuấn cho biết, sau đợt đánh giá này, nếu kết quả tích cực, có thể sẽ nâng cấp hệ thống ở giai đoạn 2 kéo dài tới năm 2018.

Ngoại trừ những sự cố gây phiền hạ trên, hải quan điện tử đã giúp thay đổi toàn diện về cách thức giao dịch giữa hải quan và doanh nghiệp, tạo một môi trường làm việc phi giấy tờ, minh bạch hơn.

Bản thân công ty Brother đã từng có nghiên cứu và tính toán, việc khai báo hải quan giờ chỉ còn 2s/tờ khai so với 2 phút/tờ khai trước đây. Mỗi tháng, công ty tiết kiệm được 6.213 phút, tương đương khoảng 100 giờ làm việc. Cùng với việc in ấn và xuất trình tờ khai điện tử nên giúp công ty giảm được 3 giờ/lỗ hàng, tương đương tiết kiệm tới 12.660 USD/tháng.

Phạm Huyền