Nếu không có gì thay đổi, ngày 4/2 sẽ tiếp tục ghi dấu mốc lịch sử đáng nhớ ở năm thứ 22 của quan hệ Việt- Mỹ, khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết tại New Zealand. Đây sẽ là một ngày rất đặc biệt đối với cả 2 nước.

TPP – Cao trào của hy vọng hay ảo tưởng về thực tại?

Nấc thang mới

TPP là một hiệp định đa phương được thoả thuận giữa 12 nước với nhau nhưng với Việt Nam và Mỹ, nhắc đến TPP, đó còn như một biểu trưng đặc biệt, đánh dấu nấc thang mới trong quan hệ kinh tế song phương Việt - Mỹ.

Và ngày 4/2 luôn mang nhiều ý nghĩa với cả 2 nước.

22 năm trước, ngày 4/2/1994 (giờ Việt Nam), tức ngày 24 tháng Chạp, chuẩn bị đón Tết Quý Dậu, Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

"Khi đó, một cảm xúc sung sướng trào dâng và chúng tôi đã coi đó như một món quà Tết đầy ý nghĩa", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi đó là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhớ lại.

Bà Lan nhớ lại cảm xúc thời điểm đó, "tôi có một niềm tin mãnh liệt là từ đây, Việt Nam sẽ bắt đầu một giai đoạn phát triển mới và không ai nói ra, tất cả đều nghĩ đến bước tiếp theo là bình thường hoá quan hệ về kinh tế".

Địa điểm dự kiến ký TPP- Aukland, NewZealand cũng mang một dấu ấn lịch sử khác biệt đối với riêng Việt Nam và Mỹ.

Đây chính là nơi mà 17 năm trước, các nhà lãnh đạo Việt - Mỹ đã từng ấp ủ dự định sẽ đặt bút ký kết BTA- Hiệp định thương mại song phương Việt -Mỹ, một biểu trưng sống động cho bước tiến bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước, sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

{keywords}
Hiệp định BTA đã được ký ngày 13/7/2000 tại Washington DC

Hơn hết, đây còn là một hiệp định lịch sử tạo ra bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, mà mấu chốt là chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN.

Tại nơi này, một ngày đầu tháng 9/1999, BTA đã được dự tính sẽ ký trong khuôn khổ hội nghị APEC, bởi cả Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton đều có mặt với hình dung về một lễ ký kết sẽ diễn ra long trọng dưới sự chứng kiến của bạn bè thế giới. Tất nhiên, kế hoạch lịch sử đó đã không diễn ra và phải 11 tháng sau, BTA mới được ký tại Washington DC.

Dù vậy, nếu như hơn 2 thập kỷ trước, Aukland, NewZealand có thể không có duyên với BTA thì giờ, thành phố được xếp hạng có chất lượng sống tốt nhất thế giới này sẽ có duyên với với TPP.

Năm 1994-1995, quan hệ Việt- Mỹ về kinh tế gần như là số 0. Bởi mọi hoạt động giao thương đã bị cấm vận. Đến năm 2001, giao thương 2 nước mới nhúc nhích lên con số 1,5 tỷ USD.

Song đến năm 2015, kim ngạch hai chiều Việt- Mỹ đã ở mức hơn 41,5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ tới 25,5 tỷ USD. Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sức hấp dẫn của từ TPP

Năm 2015 được coi là năm lập kỷ lục của Việt Nam về số lượng đàm phán và ký kết FTA.

Trong đó, TPP là hiệp định có sức hấp dẫn nhất, không chỉ bởi những lợi ích kinh tế hàng chục tỷ USD mang lại, hay những đánh giá cho rằng Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 thành viên, cũng không phải chỉ vì đây là hiệp định thế kỷ với tiêu chuẩn cao nhất hiện nay.

{keywords}
TPP được coi là Hiệp định của thế kỷ 21

Ở góc độ nào đó, sức hấp dẫn của TPP còn nằm ở hai chữ "Việt- Mỹ", 2 quốc gia đã vượt qua mọi khó khăn và khác biệt để trở thành đối tác quan trọng của nhau và thậm chí, giờ đây, mối quan hệ kinh tế này trở nên bền chặt và đẳng cấp hơn.

Ở TPP, Mỹ là người khổng lồ dẫn dắt cuộc chơi theo những điều luật do mình khởi xướng. Việt Nam nền kinh tế yếu thế nhất nhưng đã tham gia ngay từ sớm và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cục diện ở hiệp định này.

Năm 2007, khi gia nhập WTO, Việt Nam được ví như "thuyền thúng ra biển lớn". Nhưng bây giờ, Việt Nam rất "tức thời" khi tham gia xu hướng đào những con kênh mới để kết nối và phát triển.

Thậm chí, như Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng từng nói, nếu không có Việt Nam thì hiệp định sẽ không thể thành công.

Khi TPP được ký kết, đó sẽ một điểm khởi đầu tươi sáng cho một chu kỳ phát triển mới của kinh tế Việt- Mỹ mới, bên cạnh những kỳ vọng bùng nổ phát triển ở khu vực chiếm 40% GDP toàn cầu này.

Nhìn nhận một cách khách quan, chính những tiêu chuẩn cao, tưởng như quá sức đối với Việt Nam, hay những luật chơi khắc nghiệt mà từ nay, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận chính là những động lực tốt nhất để kinh tế Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách và đổi mới. Đây vốn dĩ là điều mà các chuyên gia kinh tế bấy lâu mong mỏi và có phần thất vọng về công cuộc tái cơ cấu chưa triệt như mong đợi. 

Tiền thân của TPP là Hiệp định hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định P4) được ký giữa 4 thành viên là Brunei, Chile, Singapore và New Zealand ngày 3/6/2005.

Sau đó, TPP đã được mở rộng dần qua các năm lên con số 12 thành viên. gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Mỹ bắt đầu tham gia đàm phán TPP vào tháng 12/2009, một năm sau, tháng 11/2010, Việt Nam cùng Malaysia bắt đầu tham gia cuộc chơi này và năm 2013 là Nhật Bản tham gia.

Ngày 5/10/2015, tại Alanta, Mỹ, Hiệp định kết thúc đàm phán cơ bản. Ngày 4/2/2016, Hiệp định dự kiến ký kết tại Aukland, New Zealand.


Phạm Huyền