Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1950, quê Nghệ An) được đánh giá là “ôm trùm” trong lĩnh vực nhà ở giá rẻ tại Hà Nội, quản lý chuỗi khách sạn rộng khắp cả nước và sở hữu nhiều khu vui chơi giải trí. Ông hiện là chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh.

Doanh nghiệp được thành lập năm 2012, do bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản, sinh năm 1987) làm người đại diện theo pháp luật, kiêm tổng giám đốc.

Trong năm thành lập, Tập đoàn Mường Thanh cho ra mắt dự án nhà ở xã hội siêu rẻ tại Hà Nội ở khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Đây là lần đầu tiên một chung cư với căn hộ có giá dưới 500 triệu đồng ở Hà Nội được mở bán.

{keywords}
Dự án nhà ở giá rẻ đầu tiên của ông Thản tại khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau thành công đó, doanh nghiệp của ông Thản tiếp tục giới thiệu nhiều dự án giá rẻ khác như khu nhà ở Xa La quận Hà Đông (diện tích 209 ha); chung cư CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (rộng 26,9 ha); chung cư CT5 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; tổ hợp HH Linh Đàm…

Mường Thanh cũng nổi tiếng khi sở hữu hệ thống 60 khách sạn, với khoảng 11.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn trên khắp cả nước.

Bên cạnh bất động sản và khách sạn, Mường Thanh mở rộng sang lĩnh vực vui chơi, giải trí. Tập đoàn này đang sở hữu các thương hiệu Mường Thanh Safari Diễn Lâm (vườn thú), VRC (trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (trung tâm fitness & yoga 5 sao), DreamKid (khu vui chơi học tập cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (chuỗi bán đồ lưu niệm cao cấp).

Thậm chí trong năm 2015, tập đoàn của “đại gia điếu cày” còn đá chân qua lĩnh vực du lịch khi rót vốn 70 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (mã cổ phiếu PDC), doanh nghiệp sở hữu khách sạn Cửa Đông và khách sạn Phương Đông tại tỉnh Nghệ An.

Hiện tại, thông qua các cá nhân và tổ chức liên quan, ông Thản đang nắm giữ khoảng 7 triệu cổ phiếu PDC, tương đương hơn 46,7% vốn điều lệ công ty.

Trước khi Tập đoàn Mường Thanh ra đời, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn. Công ty này được ông Thản đăng ký thành lập từ năm 1993, với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Năm 2019, doanh thu của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đạt 832 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2018. Công ty báo lỗ 80 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Mường Thanh thu về 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ. Như vậy, năm 2019, tổng nguồn thu từ hai công ty quản lý phần lớn chuỗi khách sạn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản đạt 2.402 tỷ đồng.

{keywords}
 

Tính đến tháng 8/2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Mường Thanh ở mức 2.684 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,53%; bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 19,02%; ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 8,4% và ông Lê Hải An nắm giữ 4,05%.

Tại thời điểm 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn Mường Thanh là 15.093 tỷ đồng, trong khi của Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên lên đến 27.616 tỷ. Ở vốn chủ sở hữu, của Tập đoàn Mường Thanh 4.143 tỷ đồng, còn Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên âm 196 tỷ.Ngoài hai doanh nghiệp trên, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes; là Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5.

Những doanh nghiệp này có doanh thu thấp hoặc không phát sinh doanh thu trong năm 2019. Công ty Bemes báo lỗ cuối năm 1,5 tỷ đồng, còn khoản lỗ của Phát triển địa ốc Cienco5 là 4 tỷ đồng.

Ngày 5/4, trong kết luận điều tra bổ sung vừa ban hành, Công an Hà Nội đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng. Ông Thản thừa nhận do nóng vội để nắm bắt cơ hội kinh doanh, ông đã tổ chức thi công dự án CT6 Kiến Hưng khi chưa hoàn thiện thủ tục.

(Theo Zing)