Tháng trước, mạng xã hội xôn xao thông tin về những vụ người Việt bị sát hại tại Angola trong những cuộc cướp bóc. Một quan chức Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cho biết tình hình an ninh ở Angola khá phức tạp, những vụ cướp xảy ra thường xuyên, đe dọa tính mạng của người dân và cả cộng đồng người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại đây.

Anh Đặng Quốc Nghĩa và anh Nguyễn Quốc Hậu không phải là những người Việt đầu tiên mất mạng ở Angola và có thể họ cũng không phải là những người cuối cùng phải chịu thảm cảnh như vậy. Tuy nhiên, dòng người Việt đổ sang Angola trong những năm gần đây ngày càng tăng và đã lên con số trên một vạn người (theo ước tính của Hội người Việt tại Angola).

Một nơi dễ sống

Cộng đồng người Việt tại Angola hình thành cách đây đã khoảng hơn nửa thế kỷ trong chương trình trao đổi chuyên gia của Việt Nam và Angola. Sau đó tăng dần, nhất là sau khi Angola tuyên bố độc lập năm 1975. Người Việt Nam sang lao động tại Angola thế hệ đầu tiên từ năm 1983 có khoảng 600 người là các chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp. Đó chính là những người đặt nền móng thật sự cho dấu ấn Việt tại đất nước xa lạ ở khu vực Tây Nam châu Phi. Thực vậy, khi làm ăn thuận lợi ở Angola thì chính những người “khai phá” đầu tiên đã tìm cách đưa bà con, họ hàng, đồng hương sang sinh sống làm ăn. Nhiều người Việt tại Angola nói rằng khi sang Angola và bắt đầu tính chuyện buôn bán mưu sinh thì việc đầu tiên là họ được người đi trước đưa ra chợ Sao Paulo ở Luanda, nơi được mệnh danh là chợ Đồng Xuân ở Angola.

{keywords}

Gọi thế cho gần gũi với quê hương chứ “chợ Đồng Xuân” chỉ là một con phố dài chưa đầy một cây số tập trung nhiều người Việt làm ăn. Những người Việt mới kinh doanh tại đây nói rằng họ thích khu chợ này vì nhìn quanh đâu cũng là đồng bào quê hương, thỉnh thoảng được nói ra mấy câu tiếng Việt, bàn tán chuyện làng mạc, gia đình, con cái... cũng đỡ cô đơn nơi đất khách. Hơn nữa, xung quanh thấy đồng bào mình thì cũng cảm thấy yên tâm an toàn hơn là một mình trơ trọi giữa những người châu Phi. Nhưng rồi theo thời gian thì họ cũng hòa nhập nhanh với xã hội của người Angola. Khách hàng chính đến “Đồng Xuân - Luanda” là những người Angola. Họ thích các sản phẩm do người Việt bán như vải vóc, quần áo, nhu yếu phẩm của người Việt vì giá rẻ, phù hợp túi tiền, màu sắc lại sặc sỡ phù hợp với thị hiếu người châu Phi. Ngược lại, các chị kinh doanh người Việt cũng nói rằng người Angola là những khách hàng dễ tính, giúp họ có thể bán chạy những mặt hàng đơn giản kể trên. Có cả những người từng kinh doanh thất bại tại Việt Nam sang làm ăn tại Angola và nói rằng bán đồ tại Luanda dễ hơn kiếm sống ở Hà Nội.

Việc kiếm một hai ngàn USD mỗi tháng từ một sạp hàng không phải là điều khó khăn nếu biết khéo kinh doanh. Khéo kinh doanh ở đây không chỉ là biết đưa hàng đẹp ra bán mà còn phải học thêm một chút tiếng Bồ Đào Nha để tán khách hàng Angola. Người dân Angola đa phần đều thật thà nên dễ xiêu lòng nhưng nếu họ biết bị lừa gạt thì không có chuyện lần sau sẽ quay trở lại. Ngoài các mặt hàng thiết thực kể trên, người Việt còn có đầu óc kinh doanh tại Angola bằng việc mở những dịch vụ rất ăn khách như chụp ảnh cưới, photocopy, sửa chữa xe máy và cả làm nail... Những người này nói rằng họ cũng chẳng có gì cao siêu mà chỉ đơn giản mang mô hình dịch vụ từ Việt Nam sang Angola. Do Angola chưa phát triển các loại hình này nên khi người Việt dùng nó để kinh doanh thì lập tức hốt bạc.

Theo tìm hiểu, những người làm nghề photocopy, làm ảnh, buôn bán ở chợ trung tâm thành phố, bán hàng ăn có thâm niên thu nhập khá ổn định cũng từ 5.000 - 10.000 USD/tháng. Một số người làm ăn thành đạt mở được công ty thì có thể thu nhập từ vài chục nghìn, thậm chí đến cả trăm nghìn USD một tháng. Một số doanh nhân Việt sau khi làm ăn phát đạt tìm cách mở rộng mạng lưới kinh doanh, mở rộng thị trường sang các tỉnh phụ cận. Theo ông Đỗ Bá Khoa, từng là đại sứ Việt Nam ở Angola, có tới hơn 40 người Việt là triệu phú đô la hiện đang làm ăn tại Angola như Cường Viana, Phụng Avima, Đức Huambo, Thi Benguela, Thành Lubango... Tuy nhiên, những người làm ăn bài bản, có đường đi nước bước, có hướng dẫn như vậy không phải là nhiều.

Mặt trái của làn sóng

Chính những ông chủ người Việt thành công này đã tạo tiếp một làn sóng lớn đưa người Việt Nam sang Angola. Một trong những lĩnh vực mà người Việt có thế mạnh tại đất nước này là xây dựng. Trong hoàn cảnh Angola đang tái thiết thì nhu cầu xây dựng rất cao. Khi trúng thầu một công trình lớn, chủ người Việt có thể trả lương cả ngàn USD mỗi tháng cho mỗi thợ xây Việt Nam. Đó là mức lương đáng mơ ước của nhiều thợ xây Việt ở trong nước và hình thành dòng người đổ sang Angola làm thợ xây. Đây là những người có nguy cơ gặp bi kịch cao nhất. Đáng buồn là số lượng này ở Angola khá cao, họ là người sang làm thuê, xây dựng với 2 bàn tay trắng, không người quen hướng dẫn. Nếu may mắn gặp chủ tốt thì có được công ăn việc làm.

Còn nếu không may thì phải làm lụng vất vả lại còn bị quỵt lương, muốn quay về cũng không được. Vì sao vậy? Thường thì khi sang tới Angola, họ bị chủ thu ngay hộ chiếu, ở nơi đất khách quê người, tiếng không biết, chủ đưa đi đâu thì biết đó. Đa phần người sang lao động tại Angola dạng này thường theo kiểu tự do nên không được đào tạo kỹ năng cơ bản, ngoại ngữ, luật pháp nước bạn. Do không có trình độ nên khi vào việc thì không đáp ứng được nhu cầu lao động. Chính vì thế, chỉ sau một hợp đồng bị chủ bỏ rơi và khi đó chỉ còn nước… lang thang. Đáng buồn hơn là những trường hợp họ bị chính đồng hương lừa sang Angola bỏ mặc.

Như đã nói, người Angola khá thật thà. Do đó, ở Angola khi ký hợp đồng xây dựng xong thường ứng trước một nửa số tiền nên nhiều chủ xây dựng có được hợp đồng liền ra sân bay mua lao động mang về cũng giả vờ làm như thật đo vẽ, đào móng… nhưng khi rút được tiền thì chuồn luôn về nước, bỏ mặc người lao động ở lại và những người bị bỏ lại chỉ còn nước bị đi tù hay trục xuất. Chính những con sâu làm rầu nồi canh như vậy không chỉ làm khổ người lao động mà còn làm khổ cả những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính trên nước bạn.

(Theo Duyên dáng Việt Nam)