Như đã đưa tin, theo Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2020 đã tăng đột biến vì một doanh nghiệp mới lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD).

Với quy mô vốn điều lệ như trên, doanh nghiệp này vượt qua nhiều doanh nghiệp “khủng" hiện nay như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) (121.520 tỷ đồng); Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (117.175 tỷ đồng)...

{keywords}
Doanh nghiệp đăng ký vốn khủng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Thậm chí, vốn điều lệ của doanh nghiệp này còn lớn hơn cả tổng vốn điều lệ của “big four” - 4 ngân hàng lớn nhất nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cộng lại.

Điều đáng ngạc nhiên, khác với suy nghĩ của nhiều người về quy mô tầm vóc một doanh nghiệp “siêu khủng", địa điểm đăng ký kinh doanh của công ty này là ngôi nhà nhỏ sơn màu xanh nằm trong xóm.

Chủ nhân ngôi nhà là bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập công ty có vốn góp 43.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Phương cho biết: “Tôi có biết gì đâu, tôi chưa góp vốn đồng nào. Tôi làm gì có tiền, ăn còn chẳng đủ”.

Trả lời câu hỏi vì sao không biết vẫn đứng tên mở công ty, bà Phương phân trần: Mình nghĩ đơn giản, không ảnh hưởng gì. Vì có tiền đâu, có góp đồng nào đâu. Nhà tôi ăn bữa nọ chạy bữa kia, ruộng vườn thì không có, lãi vay trả đều đều.

Kể về hai “cộng sự” còn lại rủ lập công ty vốn trăm nghìn tỷ, bà Phương cho biết ông Phong làm công ty gỗ, còn ông Sơn cũng đi buôn nước khoáng. Qua lời kể của bà Phương thì cả hai người này cũng đều "không có tiền".

Bà Phương cũng chia sẻ thấy “sợ quá vì tự nhiên bao người hỏi”, cùng với đó là số vốn nghe rất lớn nên sẽ tính việc rút tên khỏi công ty.

Bà Phương cho hay lâu nay vẫn làm kinh doanh nước khoáng. Trong cuộc trò chuyện, bà liên tục kể về công dụng nước khoáng từ trường mình đang làm đại lý phân phối.

{keywords}
Bà Kim Thị Phương, một trong 3 cổ đông góp vốn siêu doanh nghiệp vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng.

“Tôi có biết cái gì vụ kia đâu. Mình có phải góp vốn đâu mà lo, già rồi còn mở công ty sao được. Nếu họ bảo phải đóng 100 triệu vào đây, thì ai dám ký. Còn giờ có mất cái gì của mình đâu. Cứ nói mồm thế, làm được thì làm, chẳng được thì thôi. Chắc các ông ý kêu gọi đầu tư thế nào ấy, chứ làm gì đứa nào có đồng nào. Chúng nó rủ 3 chị em mình mở công ty thì tôi cũng nghe, nhưng không xác định làm gì ở đây”, bà Phương nói.

Theo tìm hiểu, Công ty mà Phương tham gia góp vốn có tên tiếng Việt là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (viết tắt là USC Interco.,JSC). Công ty chỉ vừa mới thành lập hơn 1 tháng (17/1/2020), trụ sở chính tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chưa có website chính thức.

Thông tin trên cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, đây là một công ty đa ngành với hoạt động kinh doanh khá dàn trải, từ xây dựng cho đến lắp đặt, môi giới đấu giá hàng hoá, bán buôn đồ dùng gia đình, vận tải; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất… cho đến giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động bệnh viện. Trong đó, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất.

{keywords}
Hình ảnh bất ngờ về trụ sở DN đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, với số vốn điều lệ “khủng” như trên nhưng doanh nghiệp này chỉ có 3 cổ đông sáng lập và đều là cá nhân.

Cụ thể, cổ đông thứ nhất có tên Kim Thị Phương (địa chỉ tại Thị trấn Phùng, Đan Phượng, TP Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Cổ đông thứ hai là Nguyễn Hoàn Sơn (địa chỉ tại Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu là 40% vốn.

Và cổ đông thứ ba là Trần Gia Phong (địa chỉ tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) góp vốn 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn. Cổ đông này cũng là người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh giám đốc của công ty. Theo giới thiệu thì ông Trần Gia Phong sinh năm 1979 và hiện đang trú tại địa chỉ đăng ký nói trên.

Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông có thời hạn 90 ngày để thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn số cổ phần này. Trong trường hợp các cổ đông không thanh toán hoặc thanh toán không đủ, công ty phải điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số cổ phần được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán.

(Theo Dân trí)