Đặng Văn Thành vẫn là Thành Sacombank

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 28 năm thành lập. Ngân hàng cũng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng khi dự kiến lợi nhuận năm 2019 sẽ vượt 20% kế hoạch năm.

Chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập của Sacombank, ông Dương Công Minh nói: "Tôi vào Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi Đặng Văn Thành và vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam".

Ông cho biết, việc nhận vai trò Chủ tịch Sacombank là để quyết liệt cải tổ lại hệ thống quản lí tổ chức ngân hàng. Còn ông Đặng Văn Thành cùng với HĐQT của khóa trước đã xây dựng cho Sacombank một nền móng, hệ thống chiến lược bền vững. Chính vì vậy, quá trình tái cấu trúc của ông mới diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ.

{keywords}
Chủ tịch Dương Công Minh nói về Thành Sacombank

Tại buổi lễ cũng có sự xuất hiện đặt biệt của ông Đặng Văn Thành với tư cách người sáng lập Sacombank. Ông cho rằng, trong 28 năm hình thành và phát triển của Sacombank, có một giai đoạn ngắn nhà băng này bị chững lại do "sự thôn tính không chuyên nghiệp". Nhưng sau bao nhiêu sóng gió, ông thấy vui mừng khi giờ Sacombank đã phần nào vượt qua được những khó khăn nội tại để dần phục hồi và phát triển chỉ sau chưa đầy ba năm.

Đại gia Hà Tĩnh thể hiện quyền lực

CTCP Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Theo như Nghị quyết, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Hoành Sơn đã được bầu là thành viên HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Phạm Hoành Sơn, sinh năm 1972, tại Hà Tĩnh, hiện đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoành Sơn, Chủ tịch CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An, Chủ tịch CTCP Đầu tư và phát triển Vũng Áng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.

{keywords}
Đại gia Hà Tĩnh quyết tâm chơi lớn

Hiện HĐQT Cao su Sao Vàng bao gồm 5 thành viên. Như vậy, việc ông Phạm Hoành Sơn thay ông Nguyễn Thanh Tùng được thông qua, nhóm này đã nắm hơn 3/5 ghế trong HĐQT.

Mối liên hệ giữa SRC và Tập đoàn Hoành Sơn thể hiện ở việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, đơn vị thực hiện dự án tổ hợp thương mại và nhà ở cùng tên tại 231 Nguyễn Trãi (khu đất thuộc sở hữu SRC). Trong đó, SRC nắm 26% và Tập đoàn Hoành Sơn nắm 44,59% vốn.

Đại gia Nam Định quyết chơi lớn với bán lẻ

Trong khi đó, đại gia Nam Định, ông Nguyễn Đức Tài đang đặt mục tiêu lớn. Công ty mới đây đã quyết định tăng tốc cho chuỗi Bách Hoá Xanh khi chuỗi này đạt được các cột mốc quan trọng sớm hơn so với kế hoạch, vượt mốc 700 cửa hàng cho cả năm 2019 từ tháng 8.

Theo kế hoạch, số lượng cửa hàng Bách hóa Xanh dự đạt khoảng 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2020. Trong khoảng 1.000 cửa hàng mới dự kiến sẽ được mở trong năm 2020, với khoảng 70-80% cửa hàng được mở tại Tp.HCM và miền Nam; số cửa hàng còn lại sẽ được mở tại khu vực miền Trung.

{keywords}
Nguyễn Đức Tài 

Trái ngược lại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại nói lời chia tay với bán lẻ. Sau thương vụ sáp nhập và chuyển quyền điều hành VinCommerce về tay Masan, Vingroup tiếp tục sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro để rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ.

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết việc hoàn tất sáp nhập Adayroi, giải thể VinPro sẽ hoàn thành trong tháng 12. Nói về tình hình kinh doanh thua lỗ của Adayroi và VinPro, ông Quang nhận định thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. "Các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ", ông nói.

Theo ông Quang, Vingroup sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế.

Tỷ phú Quang tự tin VinCommerce, VinEco sẽ hết lỗ ngay năm 2020

Một văn bản nội bộ được gửi đi vào ngày 17/12/2019 từ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nguyễn Đăng Quang đến hai thành viên mới sáp nhập là CTCP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce và CTCP TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, cùng toàn thể nhân viên Masan.

Theo ông Quang, thương vụ này sẽ "giúp cho việc tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo ra một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam".

Việc sáp nhập này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ thống quản trị hiện tại của các công ty cũng như các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với nhân viên của VinCommerce và VinEco, các nhân viên hai công ty này sẽ tiếp tục hưởng và dy trì quyền lợi cũ như ở Vingroup trong thời gian hiện nay.

Ngoài ra, các nhân viên này sẽ được hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan, như được tham gia Chương trình ưu đãi đặc quyền dành cho nhân viên theo giá vốn. Chốt thư, Chủ tịch Masan mong nhân viên các công ty ổn định công tác, "để cùng nhau có một năm 2019 thật thành công và lấy đà cho năm 2020 đại thắng".

Túi tiền của 5 tỷ phú Việt

Theo Forbes, tính đến 16/12/2019 ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu đạt tròn 1 tỷ USD, xếp vị trí 2.143 trên thế giới, trong khi đó ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với 7,7 tỷ USD, xếp 232 trên thế giới.

Như vậy, danh sách các tỷ phú USD Việt Nam vẫn có 5 người, gồm: ông Phạm Nhật Vượng (7,7 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD), ông Trần Bá Dương và gia đình (1,7 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD).

Ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát chưa trở lại danh sách tỷ phú USD cho dù cổ phiếu HPG gần đây hồi phục khá ấn tượng. Ông Long được xếp hạng tỷ phú hồi tháng 3/2018 với giá cổ phiếu đạt khoảng 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), so với mức 24.000 đồng như hiện tại.

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với tài sản ở mức 7,7 tỷ USD. Tuy nhiên, với mức độ giàu có gia tăng của các tỷ phú trên thế giới, ông Vượng rớt khỏi top 200 người giàu nhất hành tinh.

Gần đây, chia sẻ trên Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng cho biết sẽ chi 2 tỷ USD từ khối tài sản cá nhân của mình, qua dự kiến bán 10% cổ phần tại Vingroup, để nuôi tham vọng bán xe thương hiệu VinFast tại thị trường Mỹ.

Bảo Anh