Có thể nhiều người cho rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh hơn các thành viên khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hơn nữa trong thời gian gần đây, Việt Nam luôn là nơi thu hút nhiều sự quan tâm và là điểm đến của các quốc gia đang có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc nhưng muốn chuyển tới một quốc gia khác lý tưởng hơn Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

{keywords}
Đồng tiền riêng của Campuchia chỉ chiếm 20% tiền được sử dụng trong cả nước. (Ảnh: Rie Ishii)

Tuy nhiên, khi nhìn lại dự báo triển vọng kinh tế khu vực được công bố vào giữa tháng 10 vừa qua, Campuchia là một quốc gia kém phát triển nhưng lại có tiềm năng phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo trong triển vọng kinh tế khu vực rằng tổng sản phẩm quốc nội của Campuchia sẽ tăng 7% trong năm 2019, vượt trên cả Việt Nam (6,5%).

Campuchia đã giữ được vị trí là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực kể từ năm 2017. Ngoài IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng dự báo Campuchia sẽ duy trì mức tăng trưởng cao khoảng 7% sau năm 2019.

Theo báo cáo của IMF, khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đang phải vật lộn với suy thoái, nền kinh tế Campuchia vẫn mạnh mẽ vì hai lý do chính:

Một là sản lượng xuất khẩu hàng may mặc và các sản phẩm khác được dự báo sẽ tăng lên 12% trong năm 2019. Mặc dù sản lượng nhập khẩu được dự báo rằng sẽ tăng 16% và mức thâm hụt tài khoản vãng lai cũng sẽ tăng lên 13% GDP, nhưng sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp nhiều hơn bởi mức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt 24% GDP – đây cũng là yếu tố thứ hai góp phần giúp cho nền kinh tế của Campuchia phát triển.

Lý do thứ hai là tỷ lệ lạm phát của Campuchia đang ở mức vừa phải 2,2%, mặc dù giá dầu thô tại Campuchia đang tăng và quốc gia này hoàn toàn phải nhập khẩu dầu thô 100% từ nước ngoài.

Không giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, Campuchia có thể theo kịp tốc độ kinh tế nhanh nhờ xuất khẩu và đầu tư cũng như giá cả ổn định do cơ cấu kinh tế dựa trên đồng đô la Mỹ.

Đồng đô la Mỹ được chấp nhận thanh toán ở hầu hết mọi nơi tại Campuchia. Với các thương nhân địa phương, họ chỉ dựa vào đồng Riel để đưa ra những thay đổi nhỏ. Nhân viên nhà nước là tầng lớp duy nhất được trả lương bằng tiền Campuchia, còn lại các tầng lớp khác đều được trả lương bằng đồng đô la Mỹ. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ được ước tính chiếm hơn 80% lượng tiền tệ lưu hành trong nước và hơn 90% lượng tiền gửi.

Việc sử dụng đồng tiền dự trữ chính toàn cầu mang lại lợi ích đáng kể cho Campuchia. Ví dụ, hầu hết các giao dịch kinh doanh đều được quy đổi bằng đô la và không có rủi ro ngoại hối. Do sử dụng đồng tiền chính là đô la Mỹ nên tỷ lệ lạm phát tại Campuchia luôn được kiểm soát rất tốt.

Trong khi đó, nền kinh tế tại đây được hỗ trợ bởi đầu tư từ Trung Quốc rất nhiều. Năm 2018, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này đạt 4,6 tỷ USD, ba phần tư trong số đó đến từ Trung Quốc.

Mặc dù, Trung Quốc đã định vị Campuchia là chìa khóa cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình nhưng một câu hỏi lớn vẫn đặt ra rằng: “Tại sao Trung Quốc lại đưa rất nhiều tiền vào một quốc gia nhỏ bé với số dân 16 triệu người như vậy?”

Ông Hiroshi Suzuki, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh doanh Campuchia, một nhà tư tưởng ở Phnom Penh đã nói rằng “tiền của Trung Quốc đang chảy vào Campuchia để đổi lấy những tài sản bằng đô la, bất kể lợi nhuận là bao nhiêu”.

Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn nữa một chiến dịch chống tham nhũng. Chính vì vậy, để thoát khỏi sự giám sát của chính phủ, những người Trung Quốc sẽ đầu tư tại Campuchia để có được bất động sản và các tài sản khác bằng đô la.

{keywords}
Campuchia đã mở một bảo tàng về tiền tệ và nền kinh tế của quốc gia tại Phnom Penh vào tháng 4.

Chính những điều trên đã khiến cho đồng đô la Mỹ trở nên chiếm ưu thế gần như tuyệt đối tại Campuchia. Tuy nhiên, nhà nước Campuchia hiện nay đang muốn thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la Mỹ, và tiến tới sử dụng đồng tiền quốc gia nhiều hơn.

Còn về phần đồng tiền quốc gia – đồng riel, mức lưu thông của đồng riel không tăng, một phần là do niềm tin của công chúng vào tiền tệ quốc gia vẫn còn thấp. Với nỗ lực khai sáng cho người dân Campuchia về tầm quan trọng của đồng tiền của chính quốc gia mình, hiện nay ngân hàng trung ương đã mở một bảo tàng về tiền tệ và nền kinh tế của quốc gia tại Phnom Penh vào tháng 4.

Bên trong bảo tàng đã có nhiều cuộc triển lãm giải thích lịch sử về tiền tệ trong nước.

Trong nhiều thế kỷ qua, Campuchia đã nỗ lực rất nhiều để đạt được sự phát triển kinh tế dựa vào đồng tiền của chính mình. Nhưng nếu đất nước này vội vàng giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và đưa ra các hạn chế về ngoại tệ thì có thể sẽ gây ra nhiều bất lợi lớn cho nền kinh tế đất nước – một nền kinh tế vốn đang dựa vào đồng đô la Mỹ.

Ông Hun Sen đã chia sẻ tại lễ khai trương bảo tàng tiền tệ vào tháng Tư rằng: “Chúng tôi cần thời gian, bởi vì việc chuyển nhanh sang nền kinh tế dựa trên đồng riel là không thể.”

Tuy nhiên, Campuchia đã bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế bình thường được hỗ trợ bởi quyền phát hành tiền tệ của riêng mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là từ bỏ lợi ích của nền kinh tế bị đô la hóa đã mang lại tăng trưởng kinh tế cao bằng cách thu hút vốn từ Trung Quốc.

(Theo Asia Nikkei/ Dân trí)