Ông Darren Hulst, Phó chủ tịch phụ trách Marketing thương mại của Boeing, cho biết, yếu tố đầu tiên thúc đẩy nhu cầu của ngành hàng không luôn là sự phát triển kinh tế. Dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Chỉ số nhân khẩu học của Việt Nam cũng ngày càng trở nên thuận lợi hơn cho ngành hàng không. Trong vòng 15 năm tới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi, với khoảng 15 triệu người sẽ gia nhập tầng lớp này tại Việt Nam, và đây là yếu tố chủ chốt thúc đẩy nhu cầu về hàng không trên thế giới.

Trong vòng 5 năm qua, ngành hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng, với các chỉ số được sử dụng để đo lường như lưu lượng hành khách, lượng hàng hóa, số lượng máy bay. Số lượng hành khách tăng gấp 3 lần, số lượng hàng hóa tăng gấp 2 lần, đội máy bay được khai thác tăng gấp 2 lần. Đây chỉ là bước đầu của sự phát triển của ngành hàng không, vì sự phát triển của ngành hàng không có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế.

{keywords}
Việt Nam động lực thúc đẩy phát triển hàng không

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 10% và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi ngành du lịch trên toàn thế giới. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đã tăng gấp 2 lần trong bốn năm qua. Năm 2018 có 12 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, và con số này được cơ quan chính phủ dự kiến sẽ tăng gấp 2 hoặc gấp 3 trong vòng sáu năm tới.

Tại thị trường Việt Nam, 10 năm trước có 31 đường bay thẳng nội địa, và hiện nay con số này đã tăng gần gấp 2 lần. Số lượng các chuyến bay thẳng giữa các thành phố đã tăng 3,5 lần trong vòng 10 năm qua. 

Trong khi đó, tại 3-4 thị trường lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. Sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được đánh giá là cực kỳ ấn tượng, và phần lớn các đường bay trong thị trường này được khai thác bằng máy bay một lối đi.

Sự tăng trưởng của ngành hàng không toàn cầu có liên quan đến sự tăng trưởng của ngành hàng không quốc tế tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 1 năm đã có gần 50 đường bay quốc tế được mở đến và đi từ Việt Nam. Ước tính đến cuối năm nay sẽ có đến 200 đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Thị trường hàng không quốc tế ở Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 15% hàng năm.

Thực tế, các đường bay thẳng từ Việt Nam đang tập trung về phía châu Âu và chưa có đường bay xuyên Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ. Tiềm năng thấy rõ tại thị trường Việt Nam là các chuyến bay quốc tế tầm xa.

Trong số các thị trường nối châu Á và Bắc Mỹ đang chưa có đường bay thẳng, Việt Nam đang nắm trong tay 2 trong số 3 thị trường lớn nhất: Việt Nam - Los Angeles và Việt Nam - San Francisco.

Trong 4 năm qua, Boeing đã cung cấp xấp xỉ 2/3 lượng máy bay thân rộng cho thị trường thế giới và chiếm đến gần 70% số đơn đặt hàng máy bay thân rộng trên toàn thế giới. Việt Nam có tiềm năng rất lớn không chỉ trong việc phát triển các đường bay trong khu vực mà còn là các đường bay quốc tế tầm xa.

Theo đại diện của Boeing, không chỉ trong việc cung cấp máy bay, mà còn về các lĩnh vực như đầu tư, đào tạo, chuỗi cung ứng,... Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, không chỉ trong những năm tới mà còn tiếp tục trong những thế hệ tiếp theo.

Nam Hải