Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận Angola - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của châu Phi - đã đạt được thỏa thuận về việc tái cơ cấu nợ với một số chủ nợ lớn giấu tên, nhiều khả năng là các ngân hàng Trung Quốc.

{keywords}
Tổng thống Angola Joao Lourenco và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp mặt song phương tại Bắc Kinh vào tháng 9/2018. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo tài chính về Angola được công bố hôm 21/9, IMF cho biết việc siết nợ sẽ “giảm bớt áp lực tài chính và giúp giảm nhu cầu tài chính” đối với đất nước này, vốn trước đó đã chứng kiến ​​triển vọng kinh tế xấu đi do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giá dầu trồi sụt.

Nền kinh tế Angola đang trong tình trạng suy thoái năm thứ 5 liên tiếp. Dầu mỏ chiếm 95% xuất khẩu và 2/3 doanh thu của chính phủ Angola. Vào cuối năm nay, IMF thống kê tỉ lệ nợ công của nước này sẽ chạm mức tương đương 123% GDP.

Báo cáo của IMF tiết lộ, thỏa thuận tái cơ cấu nợ với một trong hai chủ nợ lớn hồi tháng 6 sẽ cho Angola thời hạn 3 năm để thanh toán nợ gốc. Khoản nợ gốc trả chậm này đến hạn từ nửa cuối năm 2020 đến năm 2023 và sẽ được hoàn trả trong 7 năm sau thời gian ân hạn.

Cụ thể trong bản báo cáo của IMF thì thỏa thuận giữa Angola với chủ nợ lớn thứ hai đang được xem xét bằng cách tính lại khoản thanh toán nợ gốc.

{keywords}
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đầu tư vào các công trình tại Angola. Ảnh: CN News

Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không hề công khai bất kỳ thỏa thuận nào với Angola nhưng tuyên bố họ đạt được thỏa thuận với hơn 10 quốc gia vào cuối tháng 7.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này nhận được hơn 20 yêu cầu tái cơ cấu nợ kể từ khi thỏa thuận giãn nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được thông qua hồi tháng 4. Tuy nhiên, Trung Quốc không cho biết quốc gia nào được hưởng lợi từ việc giãn nợ.

Một thỏa thuận tái cơ cấu nợ từ Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của Angola - được cho là điều kiện tiên quyết để IMF phê duyệt bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác cho quốc gia này.

Hôm 31/8, các thành viên của Câu lạc bộ Paris bao gồm các quốc gia là chủ nợ lớn, đã đồng thuận giãn nợ cho Angola, cho phép hoãn thanh toán khoản nợ 310 triệu USD đến ngày 31/12/2020, thay vì trả vào ngày 1/5 vừa qua.

Các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với Trung Quốc hầu như vẫn được giữ bí mật. Bradley Parks, giám đốc điều hành của AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William và Mary ở Virginia, cho biết các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc thích đàm phán các thỏa thuận gia hạn nợ một cách kín đáo và song phương.

Ông cho biết, Trung Quốc không muốn tiết lộ công khai các điều khoản của các thỏa thuận gia hạn nợ bởi vì họ lo ngại rằng làm như vậy có thể gây ra một làn sóng yêu cầu giãn nợ mới từ các nước đi vay khác.

(Theo SCMP / Dân Trí)