Năm 2016 ghi nhận sự cải thiện bước đầu của khu vực kinh tế tư nhân, với số DN đăng ký mới tăng lên đạt kỷ lục 110 ngàn, và số DN đóng cửa giảm đi so với 2015 còn 73 ngàn.

Dù DN còn vô vàn khó khăn khi chi phí đầu vào tăng, thị trường nhiều biến động, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản…, song có thể thấy dấu hiệu của sự chuyển biến theo hướng nhiều DN Việt Nam đang dần thực hiện tự mình đổi mới, tạo cách đi khác trước. Bà Phạm Chi Lan tiếp tục chia sẻ về “Vai trò của tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta”.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tập đoàn kinh tế tư nhân có cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách?

Ở nước ta, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã tạo khuôn khổ pháp lý chung, bình đẳng về nguyên tắc, cho mọi loại hình DN hình thành và hoạt động. Các Luật này qua nhiều lần sửa đổi ngày càng tốt hơn, không khác biệt và thậm chí có những qui định mạnh dạn, cởi mở hơn cả luật tương đương ở một số nước khác, ví dụ như qui định đối với DN đầu tư nước ngoài.

Hai luật này cũng đã thể hiện rõ chính sách của nhà nước về việc khuyến khích hay hạn chế một số ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn kinh doanh. Các luật chuyên ngành và luật thuế cũng thể hiện những chính sách tương tự. Những chính sách này theo luật đều được áp dụng chung, không phân biệt thành phần kinh tế hay loại hình DN. Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định qui định những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (sắp tới sẽ thành Luật), DN ứng dụng khoa học công nghệ và gần đây là DN khởi nghiệp.

Đối với tập đoàn, Luật Doanh nghiệp từ năm 2005 đã công nhận loại hình tập đoàn kinh tế. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó, chứ chưa có các chính sách dành riêng cho tập đoàn kinh tế tư nhân.

Tôi cho rằng không cần có chính sách ưu đãi riêng cho TĐKTTN. Chính sách ưu đãi cho DNNVV là chính đáng, cho các DN khởi nghiệp là cần thiết vì DN khởi nghiệp có nhiều rủi ro; cho DN ứng dụng khoa học công nghệ cũng là điều nên làm vì đầu tư khoa học công nghệ cần nhiều nguồn lực, cả tài lực, nhân lực và sự hỗ trợ trong giai đoạn đầu. Nước nào cũng có chính sách hỗ trợ cho những khu vực DN như vậy.

Các TĐKTTN không cần những chính sách hỗ trợ riêng để phát triển, bởi bản thân họ đã có lực rồi, mặt khác họ có thể nhận được ưu đãi nếu họ thực hiện đầu tư trong các lĩnh vực mà nhà nước sẵn sàng ưu đãi theo chính sách chung.

Cái mà khu vực DN tư nhân nói chung, và cả TĐKTTN cần nhất là môi trường chính sách minh bạch, công bằng, bình đẳng, nhất là quyền tự do kinh doanh / cạnh tranh, quyền tài sản và quyền tiếp cận các nguồn lực phải được bảo đảm bằng luật pháp và được thi hành nghiêm túc. Luật pháp phải rõ ràng, minh bạch, giải trình, dự liệu được, phải nhất quán, đồng bộ, ổn định và khả thi. Các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành cũng phải đảm bảo các yêu cầu trên, đồng thời phải rất nhất quán với các luật cơ bản và cao hơn như Hiến pháp, luật hay pháp lệnh.

Đặc biệt việc thi hành pháp luật phải đảm bảo thật nghiêm minh, trước hết trong các cơ quan nhà nước; phải chống cho được tình trạng lạm dụng quyền lực, không tuân thủ luật pháp ngay từ trong bộ máy nhà nước trở đi.

Ở các nước phát triển cao, có thể chế tốt, đặc biệt là cơ chế cạnh tranh minh bạch, dễ dàng giám sát cả nhà nước lẫn người kinh doanh, thì phần nhiều người ta nể phục, coi trọng những “đại gia” vừa giàu vừa mạnh như những tập đoàn, công ty lớn hay tỷ phú trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, công nghiệp, tài chính, bất động sản…

Cơ chế minh bạch giúp các DN lớn và người giàu khẳng định được tính chính đáng của con đường làm giàu và tính hợp pháp của những tài sản khổng lồ của họ, và họ có quyền tự hào về những gì họ có được. Điều đó cũng khiến cho những quốc gia ấy trở thành quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ và khát vọng làm giàu được khuyến khích như một phần của ý chí vươn lên, của tinh thần dân tộc.

Tôi thực sự mong các TĐKTTN ở nước ta sẽ được tạo điều kiện phát triển bằng các chính sách công khai, minh bạch, sòng phẳng, trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, trong một hệ thống thể chế nghiêm minh luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển. Để mọi TĐKTTN, DN lớn và người giàu có thể ngẩng cao đầu, tự hào rằng mình đã làm giàu một cách đàng hoàng, chính đáng, không “đi đêm”, không chèn lấn ai, mà ngược lại sự thành công của mình đã đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước. Để họ được kính trọng, được tôn vinh, có động lực phát triển lâu dài và tạo cảm hứng cho những DN khác, những người trẻ cố gắng theo gương họ.

Trước mắt, đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước nói chung, để rỡ bỏ những rào cản và tạo sự bình đẳng cho họ, việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là xóa bỏ các ưu tiên, đặc quyền đặc lợi dành cho DNNN và khu vực DN đầu tư nước ngoài cũng như một số DN thân hữu. Phải đặt các DN này vào điều kiện cạnh tranh bình thường trên thị trường. Phải thực hiện bằng được những cam kết về tái cơ cấu DNNN một cách thực chất, vừa để nâng cao hiệu quả của khu vực đó, vừa để phân bổ lại những nguồn lực to lớn mà khu vực đó đang nắm giữ nhưng sử dụng kém hiệu quả. Trong bối cảnh các nguồn lực ở nước ta đang trở nên ngày càng khan hiếm, đây là một việc rất cần ưu tiên thực hiện để đảm bảo đất nước và khu vực tư nhân có được những nguồn lực cần thiết cho nhu cầu đầu tư phát triển trong những năm tới.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản pháp qui nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt theo các chuẩn mực chung, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, trên tinh thần tạo thuận lợi cho DN, chứ không chỉ tháo gỡ khó khăn (mà cả chục năm rồi tháo mãi vẫn không gỡ được!). Cần thực hiện bằng được Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016, đặc biệt là 10 nguyên tắc Chính phủ cam kết về đối xử với DN. Cải cách bộ máy nhà nước cho tinh gọn, có hiệu lực và hiệu quả hơn, tăng năng lực và trách nhiệm giải trình của bộ máy và quan chức các cấp, tăng cường sự giám sát một cách thực chất của nhà nước, xã hội và DN đối với bộ máy đó, giảm mạnh chi phí tuân thủ, chi phí hành chính và các chi phí bất hợp lý khác cho DN cũng là những việc cần làm.

Đối với nông nghiệp, nông dân, điều cần thay đổi nhất là thể chế, chính sách đất đai. Phải tạo điều kiện cho tích tụ đất, dỡ bỏ những hạn chế về thời hạn và qui hoạch sử dụng đất, mở thị trường giao dịch đất đai trên cơ sở Bộ Luật Dân sự có hiệu lực từ 1/1/2017 đã quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Đó là chính sách cần thiết nhất để lĩnh vực nông nghiệp thu hút được doanh nghiệp và nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển các hình thái liên kết - kể cả giữa các TĐKTTN với nông dân- nhằm tổ chức lại sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới, nâng cao chất lượng và tính an toàn của nông sản, tạo thêm giá trị, chuyển mạnh cách kinh doanh nông sản để đáp ứng yêu cầu không ngừng thay đổi của thị trường.

Nhìn thấy cơ hội rộng mở hơn để kinh tế khu vực tư nhân phát triển

Cơ hội cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta có vẻ đang rộng mở hơn.

Cơ hội đến từ chính những khó khăn của nền kinh tế. Từ khoảng năm 2008-2009, nền kinh tế nước nhà bắt đầu suy giảm tốc độ tăng trưởng cũng như tốc độ tăng năng suất, và những vấn đề của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ hơn. Cải cách DNNN diễn ra chậm chạp, với số DNNN được cổ phần hóa tăng lên nhưng tỷ trọng vốn nhà nước được bán ra chỉ khoảng 8%, do vậy không tạo được những thay đổi cần thiết trong khu vực này. Tổng số thua lỗ, nợ nần của DNNN vẫn lớn và tăng lên, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực cực kỳ to lớn của khối này vẫn kém, năng lực cạnh tranh vẫn thấp. Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công cũng chưa đạt yêu cầu, nợ xấu trong khu vực ngân hàng thương mại vẫn lớn, nợ công thì tăng tới ngưỡng. Cơ chế xin-cho vẫn nặng nề, các nguồn lực vẫn bị phân bổ và sử dụng một cách kém hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế tư nhân sau một thời gian bừng nở lại đi xuống về nhiều mặt. Trong khi có rất ít TĐKTTN và DN lớn nổi lên, thì phần lớn DNNVV ngày càng teo tóp lại, số DN ngừng hoạt động liên tục tăng và lên tới đỉnh điểm vào năm 2015 khi năm đó có tới 83 ngàn DN ngừng hoạt động. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng và đóng góp lớn vào xuất khẩu và công nghiệp, nhưng giá trị gia tăng không nhiều, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình và hiệu ứng lan tỏa cho các khu vực kinh tế trong nước rất hạn chế. Các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phải đương đầu với cạnh tranh khốc liệt ngày càng tăng từ bên ngoài.

Đất nước đối mặt nhiều khó khăn trong 2016, khi bên cạnh những vấn đề rất nghiêm trọng này, lại phải hứng chịu cả thiên tai và nhân tai với những thảm họa môi trường chưa từng có. Và hệ thống thể chế cùng bộ máy vận hành nền kinh tế cả khu vực công và tư đều thể hiện rất nhiều bất cập, khó chống chịu nổi với những thách thức đang tăng lên. Rõ ràng 30 năm đổi mới có nhiều thành công, nhưng vẫn chưa tạo được nền tảng đảm bảo cho phát triển bền vững, và Đổi mới lần thứ hai trở thành một yêu cầu hết sức bức bách.

Năm 2016 ghi nhận sự cải thiện bước đầu của khu vực kinh tế tư nhân, với số DN đăng ký mới tăng lên đạt kỷ lục 110 ngàn, và số DN đóng cửa giảm đi so với 2015 còn 73 ngàn. Dù DN còn vô vàn khó khăn khi chi phí đầu vào tăng, thị trường nhiều biến động, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản…, song có thể thấy dấu hiệu của sự chuyển biến theo hướng nhiều DN Việt Nam đang dần thực hiện tự mình đổi mới, tạo cách đi khác trước. Có lẽ khi bị dồn tới chân tường, DN quyết phải khai phá con đường mới để tồn tại và phát triển.

{keywords}
Năm 2016 số doanh nghiệp thành lập mới đạt con số kỷ lục là 110 nghìn.

Một loạt người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp đã tạo nên hàng trăm DN khởi nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long làm lúa, tôm, cây ăn trái… theo cách mới, sáng tạo và liên kết làm ra sản phẩm có chất lượng, mở khả năng cho sự phát triển của ngành sản xuất kinh doanh nông sản có giá trị cao. Một số TĐKTTN, DN lớn như Vingroup tạo thêm hướng đi mới trong liên kết với DNNVV và nông dân, cho ra đời mô hình phi lợi nhuận; TH True Milk tung ra những dòng sản phẩm mới và đầu tư sang Nga... Khó khăn và thách thức đã trở thành áp lực, động lực cho những nỗ lực cải tổ mạnh mẽ trong DN.

Chính phủ mới cũng đã nhìn thấy những vấn đề của nền kinh tế. Quan trọng nhất là chính phủ đã thấy được nghịch lý trong những báo cáo thường được mang ra để tự an ủi nhau rằng “Việt Nam có tốc độ tăng trường cao chỉ thứ 2 sau Trung Quốc” – nghịch lý của sự tăng trưởng có tốc độ cao nhưng xuất phát điểm thấp, mức tăng năng suất giảm, và sự tiêu tốn quá nhiều nguồn lực dẫn đến những gánh nặng nợ nần.

Từ nhận thức đến sự cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Thủ tướng ký ngày 16 tháng 5 năm 2016 với 10 nguyên tắc và những qui định cụ thể Nhà nước làm gì và không làm gì, nhằm tạo ảnh hưởng tích cực đến phát triển DN. Việc kiểm soát đầu tư công năm 2016 cũng có nhiều cố gắng hơn với những kết luận rõ ràng về một số dự án đầu tư công ngừng lại không làm nữa, thay vì cố giải ngân cho được để rồi trở thành gánh nặng nợ công tương lai. Chính phủ công bố danh mục hơn 100 DNNN được phân loại cải cách, giữ lại bao nhiêu tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu nhà nước với quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch cổ phần hóa các DN này…

Năm 2016, Chính phủ đã phát động phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy người dân, nhất là người trẻ lập nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Thủ tướng liên tục đưa ra các chủ trương, chính sách thể hiện tinh thần cải cách, và đôn đốc thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin, phát huy mọi cố gắng của DN và người dân để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu năm 2020 cả nước có 1 triệu DN sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Năm 2016, cộng đồng DN và Chính phủ đã dồn sức cố gắng vượt ra khỏi điểm nghẽn tồn tại từ những năm trước. Hy vọng năm 2017, Chính phủ sẽ mở được cánh cửa mới, tạo động lực thay đổi bằng những chủ trương sáng suốt, chính sách đúng đắn và hành động quyết liệt.

Lương Bằng (ghi)