Ngày 26/8, một công nhân đang sản xuất “3 tại chỗ” tại Khu Chế xuất Linh Trung I (TP. Thủ Đức) phát hiện mình bị nhiễm Covid-19. Mặc dù trước đó, công nhân này đã xét nghiệm âm tính 3 lần mới được đưa vào sản xuất tập trung, trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” cũng tuân thủ quy định sinh hoạt.

Truy vết ngược lại, chỉ có duy nhất 1 lần người lao động nhận quà từ bên ngoài gửi vào, điều đó cho thấy sự lây lan rất nguy hiểm của biến chủng Delta.

Công nhân đã được cách ly kịp thời ngay khi phát hiện nhiễm bệnh, đảm bảo hoạt động sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, câu chuyện thuật lại của ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP.HCM (HBA) cho thấy, cần có chính sách quan tâm đặc biệt tới các lao động không may là F0.

{keywords}
Người lao động tại TP.HCM

Theo ông Bé, hiện có 60.000 lao động đại diện cho sản xuất “3 tại chỗ”. Họ đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đây là lực lượng giúp duy trì không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và đảm bảo “mục tiêu kép”. Họ cần được hỗ trợ.

Với những lý do trên, ngày 27/8, HBA cùng Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM (Hypa), Liên minh Chuyển đổi số (DTS) đã phát động chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe người lao động” nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp tạo ra luồng xanh, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chương trình triển khai tập trung 8 nhóm mục tiêu trọng tâm gồm: Tổ chức test Covid-19 định kỳ cho người lao động tại doanh nghiệp; Tổ chức dịch vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động - nguồn vắc xin do nhà nước hỗ trợ hoàn toàn; Hỗ trợ huấn luyện đội ngũ y tế tại doanh nghiệp về nghiệp vụ test và quy trình xử lý khi có trường hợp nhiễm bệnh; Cung cấp test kit Covid-19 với chính sách giá ưu đãi đặc biệt; Hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn sức khỏe cho người lao động qua tổng đài; Hỗ trợ 10.000 túi thuốc phòng, trị Covid-19 cho người lao động là F0, F1; Hỗ trợ 100 tủ thuốc phòng, trị Covid-19 cho doanh nghiệp (mỗi tủ thuốc có 100 túi thuốc).

Đặc biệt, chương trình sẽ thu xếp bệnh viện để điều trị Covid-19 cho người lao động trong trường hợp nhiễm bệnh nặng. 

{keywords}
Tiêm vắc xin cho người lao động

Tư vấn tâm lý cho người lao động thành F0

TS. Bác sỹ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hypa, cho rằng, khi người lao động nhận tin dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ bị hoang mang. Họ tự đặt ra nhiều câu hỏi như doanh nghiệp có sử dụng họ nữa hay sẽ ruồng bỏ họ? Đội ngũ y tế sẽ chăm sóc như thế nào, đưa họ đến đâu để điều trị?

Với vai trò của Hypa, đơn vị sẽ tư vấn và điều trị cho F0, phối hợp với phòng y tế của các doanh nghiệp cùng hỗ trợ tâm lý để người lao động vượt qua thời gian từ 5-7 ngày đầu, không để công nhân lo sợ. Sau đó, tiếp tục theo dõi và test cho người bệnh. Ngoài ra, các bên cần hướng dẫn cho những lao động F0 không triệu chứng cách tự bảo hộ chính mình, tránh lây lan cho cộng đồng. 

Người lao động khi phát hiện mình là F0 sẽ bị tâm lý nhất định trong thời gian đầu. Do vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng đang duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu Công nghiệp TP.HCM (Hepza) - ông Phạm Thanh Trực, lực lượng lao động là nền tảng cho phục hồi lại sau đại dịch. Chăm sóc sức khỏe cho công nhân sẽ đảm bảo từng bước phục hồi sản xuất. 

“Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi đi thăm một số doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã nhấn mạnh, còn người là của. Do vậy, việc các đơn vị cùng đồng hành chăm sóc sức khỏe người lao động là rất thiết thực”, ông Trực nói.

Quảng Định

Làn sóng Covid thứ 4 chưa dứt, gần 80 nghìn DN rút khỏi thị trường

Làn sóng Covid thứ 4 chưa dứt, gần 80 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhiều doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn tiền để trả lương, bảo hiểm, vốn vay, thuê mặt bằng...