Không phải riêng với thịt, với rau, gạo, hoa quả hiện nay cũng có vấn đề. Tôi cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà lạnh cả xương sống.

Lạnh người nhìn mâm cơm “độc hại”

Tại Hội nghị Toàn quốc công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm Nông lâm thủy sản được ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, lấy 1.000 mẫu nước tiểu để kiểm tra chất cấm thì phát hiện có hơn 20% số mẫu dương tính. Điều này cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cách đây 10 năm đang quay trở ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Không phải riêng với thịt, với rau, gạo, hoa quả hiện nay cũng có vấn đề. Tôi cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà lạnh cả xương sống”, Bộ trưởng Phát nói.

{keywords}
Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang ngày càng phức tạp

Giám đốc một Sở NN-PTNT chia sẻ: Bây giờ nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn. Thịt thì có chất tạo nạc, thủy sản thì có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, thậm chí giờ đến hoa quả cũng ủ ướp toàn hóa chất độc hại.

“Giờ mỗi lần nhìn vào mâm cơm từ món chính, món phụ cho đến hoa quả tráng miệng mà thấy lạnh người và bất an vì toàn phải ăn thứ độc hại”, Vị Giám đốc Sở NN-PTNT này nói.

Ông này còn kể thêm, bạn của ông sống và làm việc Hà Nội vẫn thường tâm sự, khoảng hơn 4 năm nay rồi vợ chồng cậu ấy không dám đi chợ mua bất cứ thực phẩm gì về ăn vì sợ độc hại, toàn phải nhờ người nhà gửi thực phẩm từ quê lên.

Thực tế là thế nhưng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng hiện gặp khá nhiều khó khăn.

Đến Tết phải có rau, thịt sạch bán cho dân

Theo ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, mặc dù đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đột xuất, song, 10 tháng đầu năm 2015, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến gì, nay phát động đợt cao điểm cũng chưa thấy kết quả gì khả quan.

Ông Tám cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tập trung đánh vào các đường dây buôn bán chất cấm. Cần có đường dây nóng, treo thưởng cho người tố giác, phát hiện ra các cơ sở sử dụng chất cấm…

Đặc biệt, các Sở Nông nghiệp mà ở đây trước hết là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải làm sao để từ giờ đến Tết chỉ ra được cho người tiêu dùng được vài địa điểm để có thể mua được thực phẩm an toàn, có tem chứng nhận.

“Các Sở cứ nói chúng tôi có từng này cơ sở sản xuất rau theo chuẩn VietGap, có từng này cơ sở sản xuất gà sạch, lợn sạch nhưng đến khi hỏi những thực phẩm đó bán ở đâu, làm sao để người mua biết và phân biệt được thì lại không nói được địa chỉ cụ thể”, ông Tám nói.

Theo ông Tám, có thể bắt đầu xây dựng một vài điểm bán thực phẩm có trưng biển an toàn, trên biển có in logo chứng nhận của Sở Nông nghiệp để người dân biết. Không nên trưng biển bán thực phẩm sạch bởi trên thị trường hiện nay tràn lan các cửa hàng bán thực phẩm sạch chưa được kiểm chứng về chất lượng.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các Sở Nông nghiệp cứ khen ban hành nhiều thông tư, quy định nhưng người tiêu dùng lại không cần những cái đó. Cái họ cần là miếng thịt, mớ rau, những thứ liên quan đến bữa cơm của họ.

Bộ trưởng Phát nhận định, chống một trận bão hay chống thiên tai có khó khăn nhưng vẫn còn dễ làm hơn vấn đề kiểm soát, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. 

“Mọi người cứ cho rằng kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để xuất khẩu nhưng đợt này phải hướng về nội địa. Bức xúc của người dân hiện nay là ở trong nội địa, chúng ta phải xác định miếng ăn của người dân là chính.”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Bảo Hân