- Bóng ma “Chiến tranh lạnh” đã đi qua, nước nhỏ càng không thể đánh đổi những mục tiêu phiêu lưu mạo hiểm bằng sự khốn khổ của cả dân tộc, sự nghèo khó của bao nhiêu thế hệ. "Người lớn" cũng nên làm gương! Các cường quốc hạt nhân phải nghiêm túc thực thi các cam kết giảm thiểu và tiến đến tiêu huỷ kho hạt nhân của mình. Đó là nguyện vọng là lời khẩn cầu của toàn thể nhân loại.

Vừa tỏ ra hoan hỉ với vụ thử quả bom hạt nhân thứ ba, úp mở rằng quả bom này có thể “com-pắc” cho tên lửa mang tới được bờ biển nước Mỹ, vừa mập mờ với thế giới “biết đâu” đó là bom Uranium làm giàu… Triều Tiên lại đã tung tin sắp thử quả bom mới thứ 4.

Tin vừa loan ra còn mơ hồ, cả về sức nổ quả bom, loại bom (Uranium hay Plutonium) và cả đặc tính của tên lửa mang bom. Bỗng, dư luận cảm thấy mơ hồ không chỉ về tên lửa trong vụ thử thứ 3 mà đã rối rắm cả với vụ thử thứ 4 vừa phao tin ra.

{keywords}
Triều Tiên đang tìm mọi cách để có bom hạt nhân.

Vì sau vụ thử thứ 3 đó, theo Đài NHK, các chuyên gia Hàn Quốc đã thu vớt được một số mảnh vỡ của tên lửa từ trên biển, và cùng một số nhà khoa học nước ngoài tiến hành phân tích những mảnh vỡ thu được này. Hóa ra, các mảnh vỡ đó không chỉ gồm những linh kiện từ Trung Quốc hay Liên Xô cũ mà có cả các mạch điện tử sản xuất ở Mỹ, máy phát tín hiệu của Anh và một máy biến áp của Thụy Sỹ.

Những phát hiện nói trên có thể dẫn tới việc một số nước thành viên Liên hợp quốc kêu gọi mở rộng hơn phạm vi lệnh cấm xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên!

Nhìn lại quá khứ, không có gì quá bất ngờ về những gì Bình Nhưỡng đã và đang làm để phát triển bom hạt nhân và tên lửa. Đặc biệt, đối với những người như chúng tôi, từ ngót 50 năm trước, khi bắt đầu tham gia hoạt động nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Quốc tế ở Dubna (Nga) và bắt đầu tiếp xúc với nhóm đồng nghiệp Triều Tiên ở đó.

Trước hết, qua mục tiêu của nhóm khoa học gia này, có thể thấy ngay, từ đầu CHDCND Triều Tiên có quyết tâm chiến lược rất cao, quyết tâm đến mức quyết liệt, bằng mọi giá, nhằm có được bom nguyên tử. Mục tiêu này cũng thể hiện rõ qua tiếp xúc và quan sát cung cách làm việc, sưu tầm từng chiếc linh kiện điện tử bán dẫn, từng trang tài liệu hạt nhân quân sự, cung cách làm việc hàng ngày của các bạn đồng nghiệp đến từ Bình Nhưỡng. Và đến bây giờ, thế giới đã không còn gì để nghi ngờ quyết tâm chiến lược và những bước đi của Triều Tiên trong các năm qua.

Ngay gần 10 năm trước, với diễn biến tình hình xảy ra, tôi đã trả lời phỏng vấn báo chí trong tư cách từng là nhà nghiên cứu và quản lý khoa học, kỹ thuật hạt nhân. Tôi đã đề cập đến hai khía cạnh nguy hại liên quan tham vọng hạt nhân của một số nước nhỏ và trách nhiệm của các nước lớn.

Trước hết, “Việc CHDCND Triều Tiên có trong tay bom nguyên tử sẽ làm mất cân bằng tương quan lực lượng quân sự ở khu vực Đông Bắc Á. Điều này đe doạ một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Và kịch bản xấu nhất là các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đi vào con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên đã và sẽ tạo nên hiệu ứng đôminô, kích thích các nước khác đi vào con đường nguy hiểm này, đặc biệt các nước vùng Trung Đông như Iran, và không loại trừ cả Ai cập, Thổ Nhĩ Kỳ…

Theo tôi, các nước, các dân tộc, đặc biệt các nước nhỏ và nghèo, phải hết sức thận trọng trước con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Thời kỳ bóng ma “Chiến tranh lạnh” đã đi qua, mọi mâu thuẫn trong quan hệ giữa các dân tộc cần phải giải quyết bằng hoà bình và thương lượng. Không thể đánh đổi những mục tiêu phiêu lưu mạo hiểm bằng sự khốn khổ của cả dân tộc, sự nghèo khổ của bao nhiêu thế hệ.

Một mặt khác, trong thế giới văn minh ngày nay không thể tồn tại mãi sự bất bình đằng, nước lớn ép nước bé trong quan hệ quốc tế. Trong vấn đề vũ khí hạt nhân nguyên tử cũng vậy. Sự tồn tại nói trên là một trong những lý do khiến không thể thực thi nghiêm túc Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Có dịp, tham gia đoàn đại biểu nước ta ở một số phiên họp Đại hội đồng thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tôi đã chứng kiến sự bất bình đẳng trong các phiên họp, sự thiên lệch trong các nghị quyết giải quyết các vấn đề gây cấn như: tiềm năng hạt nhân của Israel, của Ấn Độ, vụ đánh bom phá huỷ lò phản ứng của Iraq...

Đồng thời, cùng với việc tích cực ngăn chặn sự lan tràn vũ khí hạt nhân sang nhiều nước, các cường quốc hạt nhân cũng phải nghiêm túc thực thi các cam kết giảm thiểu và tiến đến tiêu huỷ kho hạt nhân của mình. "Người lớn" nên làm gương trước!. Phải sớm tiến đến một “thế giới không có vũ khí hạt nhân” như lời kêu gọi của cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Anna. Đó cũng là nguyện vọng là lời khẩn cầu của toàn thể nhân loại.

Minh Trần