Năm qua, từng có những thời điểm do ảnh hưởng dịch bệnh, xuất khẩu ngành da giày giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn đạt khoảng 44% (vào tháng 8 và tháng 9).

Nhưng sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp khôi phục sản xuất trong điều kiện "bình thường mới", Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam khẳng định ngành da giày đã khôi phục mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11/2021 đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu mà ngành này đặt ra cho cả năm là đạt 20 tỷ USD. 

{keywords}
Xuất khẩu da giày tăng trưởng mạnh

Dự kiến, ngành dệt may sẽ về đích kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương ở mức khoảng 5% trong năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, trong số rất nhiều thị trường xuất khẩu giày dép, riêng thị trường Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 5,98 tỷ USD, chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường EU đứng thứ hai về kim ngạch, đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 22,2%, tăng 5%; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch, đạt 1,26 tỷ USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, xuất khẩu giày dép sang đa số các thị trường tăng.

Những năm qua, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch (liên tục trong nhiều năm tăng ở mức 2 con số), với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Việt Nam đã đạt bước tiến hiện là nước xuất khẩu giày mũ vải dệt lớn nhất thế giới về giá trị, khi chiếm 26,3% thị phần toàn cầu vào năm ngoái và năm nay dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may và da giày là hai trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động. Song đến nay Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày nên phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải tạo ra điểm nghẽn đối với sự phát triển ngành.

Thu Ngân