Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Mặc dù có những bước tiến, song, sức bật của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước.

{keywords}
Tiếp sức ngành CNHT: Không chỉ chuyện vay vốn. Ảnh minh họa

Thống kê của bộ Công thương cho hay, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

Bốn khó khăn thường trực

Mặc dù có những bước tiến nhất định, song, sức bật của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn chậm, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Lý giải về điều này, tại Tọa đàm "Tiếp sức cho doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ", bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ cần nhiều thời gian và tiềm lực trong thời gian dài, đây là ngành gần như là khó nhất. Để được xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì mới chỉ có 3 doanh nghiệp được xác nhận thôi, và hiện số doanh nghiệp tham gia là công nghiệp hỗ trợ cũng rất ít. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với chúng tôi là “tham gia là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giống như việc được vạ thì má cũng sưng”, vì đầu tư rất nhiều mà lợi nhuận lại rất ít.

Từ những trải nghiệm thực tế hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại diện cho Công ty TNHH Nhật Minh, bà Phan Thị Minh điểm danh 4 khó khăn mà doanh nghiệp hay gặp. Đó là: tiếp cận chính sách, môi trường kinh doanh, tiếp cận nguồn tài chính và nhân sự.

Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, ở Việt Nam, chính sách nào cũng có, từ chính sách về đất đai đến hỗ trợ tài chính, nhưng vấn đề thực thi cực kém, chỉ có trên giấy, môi trường kinh doanh cực kỳ phiền phức, các tiêu chuẩn áp dụng không đúng, không phù hợp.

“Thời điểm làm ở Bộ Công Thương, chúng tôi cố gắng tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp phát triển, thế nhưng bây giờ câu chuyện tạo ra sản lượng thì vô cùng xa vời. Cho nên câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy, thay đổi về mặt con người cải thiện môi trường kinh doanh, có như thế thì chính sách mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”, bà Bình nói thẳng.

DN hết tài sản rồi thì thế chấp bằng gì?

Theo chính sách hiện hành, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn vay vốn để đầu tư buộc phải có thế chấp tài sản. Trong khi ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, chỉ cần cung cấp hợp đồng cấp hàng là được giải ngân.

Bà Phan Thị Minh kể rằng, đã gặp nhiều DN Nhật Bản và Hàn Quốc để hỏi câu hỏi này và được biết khi họ có chương trình, dự án sẽ được hỗ trợ. Ví dụ mua một cái máy nhà nước sẽ cho nửa tiền, đầu tư một dây chuyền nhà nước sẽ cho một nửa… Hay lãi suất ở ngân hàng của Nhật Bản có lúc bằng âm, hay 1%. Còn DN Việt Nam công nghiệp hỗ trợ chịu lãi suất cao. Vậy làm sao DN có thể sống nổi với lãi suất cao như vậy?

Việt Nam cũng có việc thế chấp hợp đồng, nhưng nhiều DN hết tài sản rồi thì thế chấp bằng gì?

“Nếu có chính sách tốt hơn thì công ty chúng tôi phát triển hơn rất nhiều. Chúng tôi không có tiền mua máy móc, mở rộng nhà xưởng. Chính sách nào thì cũng cần thực tế, mang lại giá trị, biến nội lực đất nước thành thành quả. Ví dụ như Vinfast đã là một ông lớn. Việt Nam cần nhiều ông  lớn như thế để làm ra nhiều sản phẩm lớn. Nhưng điều đó còn rất xa vời với Việt Nam”, bà Minh quả quyết.

Chia sẻ với bà Minh, ông Nam cho rằng, nếu được hỗ trợ tốt của Chính phủ, Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phát triển hơn nữa.

Ông Nam dẫn chứng, Công ty CP Nhựa Hà Nội đã tham gia vào chương trình nội địa hóa của Honda (Honda ô tô và Honda xe máy). Lúc đầu chỉ có 2 chi tiết, đến năm 2018, nâng lên khoảng 30 chi tiết. Năm nay, phát triển 14 chi tiết nữa.

“Nếu không đủ tiềm năng, nếu không có sự hỗ trợ thì khó mà làm được”, ông Nam đúc kết.

Tâm Anh (lược thuật)