Trong 10 năm qua, JETRO đã thường xuyên tổ chức "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” hằng năm, luân phiên giữa hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với mục đích phát triển hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, thu mua các linh kiện, phụ tùng của các DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Hiện nay, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, vật tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng tăng lên đáng kể từ năm 2010 đến nay và tỷ lệ này đã vượt qua Malaysia vào năm 2018.

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, các DN buộc phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện chính từ nước ngoài.

{keywords}
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu - linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan. Ảnh minh họa

Ông Hironnobu Kitagawa, Trưởng Đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho hay, một trong những vẫn đề lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải theo khảo sát của chúng tôi chính là “tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp”.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu - linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.

Chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. “Đây được coi là vẫn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, ông Kitagawa nhận định.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Một yếu tố nữa là hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Ông Kitagawa cho rằng, “muốn cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài cần lắng nghe ý kiến từ chính các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả hơn”.

Đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất quan trọng, xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết.

Trong bối cảnh đó, hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế nói chung và trong công nghiệp hỗ trợ nói riêng thông qua việc triển khai tích cực các nội dung trong VJEPA và Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho DN hai nước.

Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào đầu năm nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất.

Trong một bài viết của mình, ông Kitagawa gợi mở, để bắt kịp xu hướng hiện nay và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi cũng đề xuất những cơ hội kinh doanh mới tại Việt Nam cho các doanh nghiệp.

JETRO đã triển khai chương trình “Cách mạng công nghiệp 36” mà trọng tâm là hình thành chuỗi sản xuất giá trị dựa trên hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực nông lâm thủy sản với mong muốn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, áp dụng đưa công nghệ thông tin hay sự hợp tác của các ngành nghề khác vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó tạo ra chuỗi sản xuất giá trị kết hợp Việt - Nhật. JETTRO cũng tổ chức các đoàn thăm quan, khảo sát cho doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Tâm Anh