Trong năm 2019, ngành may mặc, da giày đã trở thành ngành công nghiệp chủ lực của Thanh Hoá, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 142 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc và 13 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày.

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực công nghiệp chủ lực này đạt hàng tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Để có được sự thành công vượt bậc của riêng hai lĩnh vực này không thể thiếu sự “tiếp sức” của các doanh nghiệp CNHT ngay tại địa phương.

{keywords}
May mặc, da giày đang trở thành ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Minh Hằng)

Đại diện Sở Công Thương Thanh Hoá cho biết, mặc dù đạt được những bước phát triển đáng khích lệ nhưng bài toán phát triển CNHT của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức. Đơn cử như đối với CNHT dệt may, quá trình đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp có công nghệ dệt nhuộm tiên tiến từ các nước phát triển mất nhiều thời gian. Các lĩnh vực CNHT khác như: Cơ khí, điện tử cũng chưa có định hướng phát triển rõ ràng, còn nhiều lúng túng.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều cơ sở cũng chưa thực sự mặn mà đầu tư trong lĩnh vực CNHT bởi nguồn ngân sách hỗ trợ là khá ít, chưa đủ hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Các chính sách phát triển CNHT còn chậm ban hành và thiếu đồng bộ. Điều đó khiến sức hút trong lĩnh vực CNHT chưa đủ mạnh đối với các doanh nghiệp.

Tiến sĩ Dương Đình Giám - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, một trong những hạn chế cốt lõi của ngành công nghiệp Thanh Hóa là CNHT chưa phát triển và hiện đang thiếu nguồn lực dành cho lĩnh vực này.

TS Dương Đình Giám nhận định, tỉnh Thanh Hóa chưa có các khu công nghiệp dành riêng cho phát triển CNHT, do đó chưa tạo dựng và phát triển được các cụm liên kết ngành mà sản phẩm công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa là chủ đạo. Việc chậm phát triển CNHT diễn ra trên cả các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp mới như lọc hóa dầu đến các ngành công nghiệp truyền thống, như: may mặc, giầy da, ô tô...

Đại diện Sở Công Thương Thanh Hoá thông tin, để giải quyết triệt để bài toán phát triển CNHT của địa phương, Thanh Hoá đã và đang ứng dụng nhiều giải pháp khẩn trương, đồng bộ. Trong đó, Thanh Hóa định hướng phát triển CNHT theo hướng nhanh, bền vững, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất CNHT.

Tỉnh cũng định hướng 3 lĩnh vực CNHT được ưu tiên, tập trung phát triển là CNHT ngành dệt may, da giày; CNHT ngành ô tô và chế tạo cơ khí; CNHT cho lĩnh vực điện tử. Đồng thời, Thanh Hoá đang xây dựng cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hoá, diện tích 50 ha với các doanh nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.

Thanh Hóa cũng sẽ tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ việc phát triển CNHT, xây dựng phương án chuẩn bị nguồn nhân lực, đồng thời có những nước đi cụ thể để phát triển cho ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

Hoàng Hiệp