Trong một bài phân tích mới đây, ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng. Nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế để không bị thua thiệt trước sức cạnh tranh với nước ngoài khi tham gia thị trường toàn cầu.

{keywords}
Nếu nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế để không bị thua thiệt trước sức cạnh tranh với nước ngoài khi tham gia thị trường toàn cầu. Ảnh minh họa.

Thị trường bị lệ thuộc vào sản phẩm cơ khí chế tạo của nước ngoài cũng là một vấn đề nan giải. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, đa phần thiếu hụt vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ lạc hậu, đơn giản, tụt hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực, cùng với sự quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng các sản phẩm cơ khí chủ yếu vẫn chỉ là gia công kết cấu thép, không có các thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với quốc tế; không phát triển được thị trường tiêu thụ ngay trong nội địa, chưa nói đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế, khó hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư. 

Trong bài viết đăng trên tờ Tạp chí Cộng sản, ông Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, nguyên nhân khách quan có thể do ngành cơ khí chế tạo yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn được coi là chính yếu, trong đó cần phải kể đến những nguyên nhân hàng đầu, như hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều chính sách đối với ngành cơ khí chế tạo chưa hợp lý, thậm chí còn gây khó khăn, cản trở sự phát triển của ngành, thiếu sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các dự án cơ khí chế tạo, đất đai, tài chính.

Trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, có một số điểm còn chưa hợp lý, như chúng ta quá tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, chưa chú ý đến các ngành cơ khí then chốt, chưa đề cập nhiều đến cơ khí nông nghiệp trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp...

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6% - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đó là giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản (khoảng 120 tỷ USD); máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản (15 tỷ USD); các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực,... (khoảng 10 tỷ USD), thiết bị cho đường sắt tốc độ cao (khoảng 35 tỷ USD), đường sắt đô thị (10 tỷ USD) và công nghiệp ô-tô (120 tỷ USD). Đó là thị trường “mơ ước” đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo và cũng là nguồn tài nguyên của đất nước cần ưu tiên cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, không thể để cho doanh nghiệp nước ngoài thao túng. 

Qua nghiên cứu thực tế, ông Hiền đúc kết, có thể thấy nổi lên ba mô hình phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo. Đó là Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải (Thaco) với mô hình đầu tư từng bước, đi từ gia công lắp ráp đến sản xuất chế tạo nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải, xe buýt lên 60%, xe du lịch lên 40% trong vòng 15 năm. Doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất một cách tuần tự, từng bước tự động hóa, rô-bốt hóa chậm, chắc theo quy mô phát triển thị trường, đạt chuẩn sản xuất tự động hóa, quản trị số hóa và tới nay đã đạt sản lượng trên 100.000 xe/năm. Ngoài cơ khí ô-tô, Thaco cũng không bỏ qua các thị trường cơ khí khác, như cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,... Có thể nói, đây là mô hình tiếp cận truyền thống có bước đi vững chắc đáng trân trọng. 

Mô hình thứ hai là Công ty Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup sản xuất xe ô-tô và xe máy điện với công nghệ hàng đầu châu Âu, thiết kế của I-ta-li-a trong một thời gian kỷ lục 21 tháng từ khi lên kịch bản, lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng mua bản quyền, mua máy móc đến tổ chức sản xuất những mẫu xe máy, xe ô-tô đầu tiên trên dây chuyền công nghệ hết sức hiện đại 4.0 với 1.200 rô-bốt, hướng tới mục tiêu 250.000 xe ô-tô/năm.

Đây có thể gọi là mô hình “đi tắt, đón đầu” mà chúng ta kỳ vọng, với tư duy “lợi thế của người đi sau”, đầu tư mới đi thẳng vào công nghệ 4.0 khi công nghệ thiết kế, chế tạo của ngành cơ khí đã phát triển rất mạnh, vì vậy việc đầu tư dây chuyền sản xuất theo định hướng sản phẩm không quá tốn kém như trước đây. Mô hình kiểu này có thể dẫn đến những đột phá lớn trong phát triển ngành cơ khí chế tạo, vì theo chuyên gia quốc tế đánh giá, cứ 1 lao động trong ngành sản xuất ô-tô sẽ tạo ra 10 việc làm mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Mô hình thứ ba là Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Bùi Văn Ngọ đã phát triển ngành cơ khí nông nghiệp xuất phát “từ mệnh lệnh của trái tim” khi mong muốn “làm thẳng lưng” người phụ nữ nông dân qua cơ giới hóa, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, tồn trữ, chế biến,... nông, lâm, thủy, hải sản, làm giảm mạnh giá thành nông sản hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, đem lại thu nhập cao hơn để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

Các sản phẩm cơ khí chế tạo của công ty đã được nghiên cứu, sản xuất theo phương châm thích nghi, hiệu quả, hiện đại, với các tiêu chí tinh xảo trong từng chi tiết và hiện đại trong toàn hệ thống. Các loại máy nông nghiệp của Công ty đang được xuất khẩu tới trên 40 quốc gia. Đây cũng là một mô hình phát triển truyền thống, quy mô nhỏ nhưng luôn bám sát và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường nên có hiệu quả cao, tạo cơ sở cho việc cơ giới hóa canh tác, hiện đại hóa chế biến, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hóa, xanh hóa, thông minh hóa.

Thu Nga (lược trích)